Sự Phát Triển Ngôn Ngữ Trẻ Em Tuổi Mầm Non

1. Vai trò của ngôn ngữ đối với sự phát triển trẻ em

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp: Bản chất con người là tổng hoà của quan hệ xã hội (Marx). Con người muốn tồn tại thì phải gắn bó với cộng đồng. Giao tiếp là một đặc trưng quan trọng của người. “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người” (Lênin). Nhờ có ngôn ngữ mà con người có thể hiểu được nhau, cùng nhau hành động vì những mục đích chung: lao động, đấu tranh, xây dựng và phát triển xã hội.

Không có ngôn ngữ, không thể giao tiếp được, thậm chí không thể tồn tại được, nhất là đứa trẻ, một sinh thể yếu ớt rất cần đến sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn.

Ngôn ngữ làm cho đứa trẻ trở thành một thành viên của xã hội loài người. Ngôn ngữ là một công cụ hữu hiệu để trẻ có thể bày tỏ những nguyện vọng của mình từ khi còn rất nhỏ để người lớn có thể chăm sóc, điều khiển, giáo dục trẻ, là một điều kiện quan trọng để trẻ tham gia vào mọi hoạt động và trong hoạt động hình thành nhân cách trẻ.

Ngôn ngữ là một công cụ để phát triển tư duy, nhận thức: Quá trình trưởng thành của đứa trẻ bên cạnh thể chất là trí tuệ. Công cụ để phát triển tư duy, trí tuệ chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là hiện thực (sự hiện hữu) của tư duy. Tư duy của con người có thể hoạt động được (nhất là tư duy trừu tượng) cũng chính là nhờ có phương tiện ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không có ngôn ngữ thì quá trình tư duy của con người không diễn ra được. Ngôn ngữ làm cho các kết quả của tư duy được cố định lại, do đó có thể khách quan hóa nó cho người khác và cho bản thân chủ thể tư duy. Ngược lại, nếu không có tư duy với các sản phẩm của nó thì ngôn ngữ chỉ là những âm thanh vô nghĩa.

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ không chỉ có mục đích tự thân. Có ngôn ngữ, tư duy của trẻ được phát triển. Đây là hai mặt của một quá trình biện chứng có tác động qua lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau (Galperin: ngôn ngữ giữ vai trò quyết định sự phát triển của tâm lý trẻ em). Ngôn ngũ phát triển làm cho tư duy phát triển. Ngược lại, tư duy phát triển càng đẩy nhanh sự phát triển của ngôn ngữ.

Tư duy ↔ Ngôn ngữ

Ngôn ngữ là công cụ để trẻ học tập, vui chơi: những hoạt động chủ yếu của trường mầm non. Giống như việc dạy trẻ tiếng mẹ đẻ ở các cấp học khác, phát triển lời nói cho trẻ ở trường mầm non thực hiện mục tiêu “kép”, đó là, trẻ học để biết tiếng mẹ đẻ đồng thời sử dụng nó như một công cụ để vui chơi, học tập. Ngôn ngữ được tích hợp trong tất cả các loại hình hoạt động giáo dục, ở mọi nơi, mọi lúc. Như vậy, ngôn ngữ cần cho tất cả các hoạt động và ngược lại, mọi hoạt động tạo cơ hội cho ngôn ngữ trẻ phát triển.

Ngôn ngữ là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện: Sự phát triển toàn diện của đứa trẻ bao gồm cả sự phát triển về đạo đức, chuẩn mực hành vi văn hoá. Điều gì tốt, điều gì xấu; cần phải ứng xử giao tiếp như thế nào cho phù hợp… không chỉ là sự bắt chước máy móc. Ngôn ngữ phát triển sẽ giúp cho trẻ mở rộng giao tiếp. Điều này làm cho trẻ có điều kiện học hỏi những gì tốt đẹp xung quanh trẻ. Cô giáo bằng lời cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích, nêu gương, thuyết phục trẻ, giáo dục những hành vi đạo đức cho trẻ.

Ngôn ngữ phát triển giúp trẻ sớm tiếp thu những giá trị thẩm mĩ trong thơ ca truyện kế, những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ đầu tiên người lớn có thể đem đến cho trẻ từ những ngày thơ ấu. Đó là sự tác động của lời nói nghệ thuật như một phương tiện hữu hiệu giáo dục thẩm mĩ cho trẻ.

Ý nghĩa của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi. Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi, nhất là từ 3 – 6 tuổi, là giai đoạn siêu tốc phát triển ngôn ngữ. Thành tựu phát triển tối ưu nhất thiết đòi hỏi phải có sự giáo dục ngôn ngữ “kịp thời”, “đúng lúc” (khái niệm của các nhà giáo dục Nga “vo vremia”). Những thành tựu phát triển lời nói ở lứa tuổi này là rất to lớn. Chẳng hạn, đây là giai đoạn hoàn thiện cơ quan phát âm. Đến 6 tuổi về cơ bản trẻ đã phát âm chính xác tất cả các âm vị, thanh điệu của tiếng mẹ đẻ. Trẻ đã nói năng tương đối lưu loát, biểu cảm. Về mặt ngữ pháp, hầu hết các mẫu câu tiếng Việt trẻ cũng đã sử dụng vào lúc 6 tuổi. Sự thực là những giờ học ngôn ngữ đầu tiên đối với mỗi con người là ngay từ khi lọt lòng mẹ. Trường mầm non là trường học đầu tiên. Ở đây, có điều kiện, có cơ hội lớn hơn để giáo dục ngôn ngữ cho trẻ. Có thể khẳng định rằng: “Học tiếng mẹ đẻ là sự học tập quan trọng nhất, cần thiết nhất, bắt đầu sớm nhất và cần được quan tâm nhất“.

Hình ảnh: Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ

2. Một số quan điểm về sự phát triển của ngôn ngữ trẻ em

2.1. Lý thuyết hành vi chủ nghĩa:

O.F Skinner trong tác phẩm Hành vi bằng lời cho rằng ngôn ngữ của trẻ được hình thành cũng như mọi hành vi khác do thao tác quyết định. Ở đây sự bắt chước là rất quan trọng. Những thao tác ngôn ngữ cùng với sự giúp đỡ của người lớn sẽ cho trẻ nhanh chóng trưởng thành về ngôn ngữ. Lí thuyết này nhìn về hình thức có vẻ đúng. Nhưng điều không chính xác là nó không chỉ ra được mối liên hệ của ngôn ngữ và tư duy. Sự trưởng thành của ngôn ngữ là sự trưởng thành của tư duy.

2.2. Lí thuyết tự nhiên chủ nghĩa:

Noam Chomxky (1957) trong tác phẩm Cấu trúc ngữ nghĩa đã phân tích có phê phán lí thuyết hành vi chủ nghĩa của Skinner. Ông cho rằng trẻ em đóng vai trò chính và là nhân tố chính trong sự phát triển ngôn ngữ của mình. Ông coi ngôn ngữ có cơ sở sinh học của nó. Thành tựu chỉ có của con người. Con người có cơ quan sản sinh ngôn ngữ trong não bộ. Chỉ cần có sự tác động thêm từ phía bên ngoài (môi trường nói năng) là ngôn ngữ có cơ hội xuất hiện. Dường như suy nghĩ là có sẵn, được tập hợp theo các mô hình tách biệt, được di truyền từ thế hệ trước. Nó sẽ bùng nổ khi có kích thích phù hợp. Theo ông không cần có sự dạy dỗ có chủ định của cha mẹ nhằm phát triển lời nói cho trẻ.

Chomxki cho rằng kiến thức ngữ pháp của trẻ có từ lúc nó mới sinh. Trẻ có kho chứa ngữ pháp toàn cầu. Chỉ cần nó sử dụng đúng lúc là có thể giải mã được tiếng mẹ đẻ của nó. Những giả định này của N.Chomxky không có tính thuyết phục. Các quy luật về ngữ pháp không thể là có sẵn. Càng không thể có cái gọi là kho ngữ pháp toàn cầu.

2.3. J. Piaget và L.S. Vưgôtxky với lý thuyết về sự phát triển của ngôn ngữ và nhận thức

J. Piaget là một nhà tâm lí học nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trong tác phẩm “Ngôn ngữ và tư duy của trẻ” ông cho rằng ngôn ngữ không quan trọng lắm đối với sự phát triển của tư duy. Theo ông, tư duy phát triển là nhờ có việc trẻ hành động trực tiếp với các vật thể vật chất, phát hiện ra những thiếu sót trong tư duy hiện có, luyện tập để sáng tạo ra phương thức tư duy phù hợp với hiện thực (Piaget nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trực quan của trẻ với đồ vật). Hạn chế của Piaget là không đánh giá hết được vai trò to lớn của ngôn ngữ thúc đẩy sự phát triển của tư duy. Quan điểm của Piaget có ảnh hưởng to lớn đến giáo dục mẫu giáo và tiểu học.

Chú trọng cho trẻ hoạt động tìm tòi: Trẻ em được động viên tự tìm tòi phát hiện qua sự tác động ngẫu nhiên. Thay vì cung cấp cho trẻ kiến thức sẵn có bằng lời, người ta đưa ra một loạt các hoạt động thiết kế nhằm kích thích cho trẻ khám phá, phát hiện, tìm tòi và cho phép trẻ tự do lựa chọn các hoạt động này.

Nhận thức rõ sự sẵn sàng học tập của trẻ. Người ta không cố gắng thúc đẩy sự phát triển của trẻ em. Nội dung học tập được xác định trên mức độ phát triển của trẻ. Giáo viên quan sát và lắng nghe học sinh của mình, giới thiệu những kinh nghiệm cho phép trẻ thực hành những mô hình mới sửa đổi cách nhìn nhận thế giới còn sai lạc. Những kỹ năng mới không thể được áp đặt thước khi trẻ hoàn toàn thích thú hay sẵn sàng.

Công nhận sự khác biệt cá thể: Lí thuyết của Piaget cho rằng tất cả trẻ em đều trải qua trình tự phát triển như nhau nhưng trẻ em phát triển với những tốc độ khác nhau. Vì thế, giáo viên phải nỗ lực tổ chức hoạt động cho từng trẻ, hoặc nhóm không phải theo cả lớp.

Lí thuyết của Piaget bị phê phán là chú ý nhiều đến hành vi như một cách thức học tập mà coi thường giao tiếp ngôn ngữ. Ảnh hưởng của Piaget đến giáo dục rất lớn, cung cấp cho giáo viên cách thức để quan sát, nhận định và tăng cường sự phát triển của trẻ em. Ông còn trang bị những cơ sở lí luận cho cách tiếp cận theo hướng lấy trẻ em làm trung tâm hoạt động hoạt động và giảng dạy.

Năm 1932, Piaget đã công bố công trình về vấn đề phát triển chức năng ngôn ngữ của trẻ em. Ông phân biệt hai loại ngôn ngữ: Ngôn ngữ xã hội hoá (thực hiện chức năng giao tiếp) và ngôn ngữ tự ngã trung tâm (NNTNTT) của trẻ (chỉ nói với chính mình). Theo Piaget, NNTNTT chiếm 56% trong ngôn ngữ của trẻ 3 tuổi và giảm dần chỉ còn 27% ở trẻ 7 tuổi. Quá trình trưởng thành về nhận thức và kinh nghiệm sống làm cho NNTNTT mất dần đi và ngôn ngữ xã hội tăng dần lên. Trẻ đã hiểu được lời nói của người khác và thích ứng dần với nó. Piaget cho rằng NNTNTT xuất hiện ở những cá thể chưa được xã hội hoá đầy đủ và nó không có một chức năng cụ thể nào trong hoạt động của trẻ.

L.S.Vưgôtxki là nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga cùng thời với Piaget. Vưgôtxki phản đối mạnh mẽ Piaget khi ông cho rằng ngôn ngữ có vai trò to lớn đối với sự phát triển tư duy của trẻ. Trẻ tự nói với chính mình tức là trẻ tự điều khiển điều chỉnh hành vi. Ngôn ngữ giúp trẻ tư duy của chúng và lựa chọn các hành động phù hợp. Vưgôtxki đánh giá ngôn ngữ như nền tảng cho tất cả các quá trình tư duy bậc cao như điều khiển, chú ý, ghi nhớ có chủ định và nhớ lại, phân loại, kế hoạch hoá hoạt động và giải quyết vấn đề. Trẻ càng lớn chúng càng thấy các hoạt động dễ dần, ngôn ngữ tự điều chỉnh sẽ chuyển vào bên trong thành lời nói thầm.

Các nhà ngôn ngữ học ủng hộ quan điểm của Vưgotxki. Họ gọi ngôn ngữ trẻ tự nói với mình là ngôn ngữ cá nhân. Họ chứng minh được rằng những đứa trẻ sử dụng ngôn ngữ cá nhân nhiều khi gặp các nhiệm vụ khó, giải quyết tốt hơn những đứa trẻ ít nói. Như vậy, ngôn ngữ cá nhân có ảnh hưởng lớn đến nhận thức.

Vưgôtxki cho rằng tất cả các quá trình nhận thức bậc cao đều là kết quả của các tương tác xã hội. Trẻ tương tác với bạn bè trưởng thành hơn hoặc với người lớn, cùng lĩnh hội các hoạt động về tư duy bằng cách thức được xã hội chấp nhận.

Lí thuyết về vùng phát triển gần nhất của Vưgôtxki đề cập đến một loạt bài tập trẻ không tự giải quyết được nhưng có thể làm được với sự giúp đỡ của người lớn hay bạn bè lớn hơn. Khi tham gia vào hoạt động và giao tiếp trẻ học được ngôn ngữ của bạn lớn, người lớn và biến chúng thành ngôn ngữ cá nhân, lại dùng nó để tổ chức hành động của cá nhân theo cách tương tự.

Tiếp thu quan điểm của Vưgôtxki, người ta chỉ ra hai đặc điểm quan trọng của quá trình trẻ hoạt động với người lớn.

1. Tính liên chủ thể: Hai người tham gia vào cùng một nhiệm vụ từ khác biệt đến thống nhất. Liên chủ thể tạo ra cơ sở chung cho giao tiếp khi từng cá thể tự điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của bạn giao tiếp. Người lớn cố gắng thúc đẩy tính liên chủ thể khi diễn đạt hiểu biết của mình trong cách thức để hiểu vấn đề của trẻ. Khi trẻ cố gắng lĩnh hội sự giảng giải tức là nó đã bước thêm một bước về nhận thức.

2. Phương pháp bắc giàn hay còn gọi là phương pháp thích ứng (Scaffolding): Người lớn thay đổi sự hỗ trợ của mình để phù hợp với mức độ phát triển hiện có của trẻ.

Lí thuyết của Vưgôtxki đưa đến một cách nhìn mới trong dạy học ở đó nhấn mạnh ngữ cảnh giao tiếp. Về sự hợp tác cùng nhau, cũng như Piaget, ông coi trọng sự tham gia tích cực và sự khác biệt của các cá thể. Khác với Piaget, ông coi giáo dục không chỉ hoàn thiện những cái đã hình thành mà còn thúc đẩy sự phát triển khi trẻ tiếp thu sự chỉ dẫn, hỗ trợ của người lớn để giải quyết những nhiệm vụ ở vùng phát triển gần nhất. Giáo dục theo trường phái Vưgôtxki tiến xa hơn giáo dục dựa vào sự tự phát hiện của Piaget. Giáo viên hướng dẫn hoạt động học tập của trẻ bằng sự giảng giải, hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp với vùng phát triển gần của từng trẻ. Điều này còn xảy ra khi trẻ phối hợp hoạt động với bạn, nhóm bạn, chúng giúp đỡ lẫn nhau cùng học tập. Đối với trẻ nhỏ, Vưgôtxki chỉ dẫn phải tạo ra nhiều cơ hội hoạt động để phát triển tác động qua lại giữa trẻ với trẻ và trẻ với người lớn.

2.4. Phùng Đức Toàn với Phương án 0 tuổi – một quan điểm dạy chữ sớm cho trẻ

Là một người nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục sớm, năm 2009, GS. Phùng Đức Toàn đã xuất hiện ở Việt Nam với bộ ba cuốn sách theo Phương án 0 tuổi (phương án giáo dục sớm cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi), trong đó có cuốn Dạy ngôn ngữ từ trong nôi. Quan điểm căn bản của ông là cần phải phát hiện và bồi dưỡng sớm cho trẻ khả năng học tập, tiếp thu kiến thức trong đó có ngôn ngữ. Ông và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu, cả lý thuyết và thực nghiệm trong vòng hơn hai mươi năm, đã dấy lên phong trào học tập sớm trong xã hội Trung Quốc và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Trong cuốn sách Dạy ngôn ngữ từ trong nôi, Phùng Đức Toàn đã đề xuất những cách thức dạy chữ cho trẻ từ rất sớm. Trẻ tiếp xúc với chữ viết cũng như tiếp xúc với người và các loại đồ vật, một sự tiếp nhận thị giác (ngôn ngữ thị giác). Như vậy, trẻ có thể biết chữ ngay cả khi chưa biết nói, nghĩa là từ rất sớm. Tuổi sơ sinh được coi là lý tưởng để dạy chữ theo quan điểm của Phùng Đức Toàn. Những kết quả mà ông đã đạt được là hết sức khả quan. Mặc dù quan điểm của ông còn mới lạ, có những điểm trái ngược với quan điểm dạy ngôn ngữ cho trẻ tuổi mầm non hiện nay nhưng với những gì Phùng Đức Toàn đã làm và kết quả ông đã đạt được cũng cho chúng ta những suy nghĩ mới, những bài học mới trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ.

3. Ngôn ngữ tuổi mầm non là gì?

3.1. Trong cuốn sách Phát triển ngôn ngữ trẻ thơ (Language Development in early childhood – 2008)

Otto Beverly, một chuyên gia trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ trẻ em của Đại học Illinois, Hoa Kỳ đã nhìn ngôn ngữ trẻ em là một sự biểu hiện tích hợp của các thành tố ngôn ngữ: ngữ âm, nghĩa của từ và cấu tạo từ, ngữ pháp, và ngữ dụng. Bà cũng chỉ ra ba cấp độ (levels) của việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

+ Cấp độ 1: Biết dùng ngôn ngữ để giao tiếp (linguistic knowlegde).

+ Cấp độ 2: Nhận biết được những đặc điểm của ngôn ngữ (metalinguistic knowlegde).

+ Cấp độ 3: Có thể trả lời câu hỏi về các đặc tính của ngôn ngữ (Verbalization of metalinguistic).

Như vậy, Otto nhìn ngôn ngữ trẻ ở cả hai phương diện cấu trúc và chỉnh thể. Về mặt cấu trúc ngôn ngữ được tạo bởi các đơn vị ngữ âm, từ vựng ngữ pháp và ngữ dụng. Về mặt chỉnh thể, ngôn ngữ thể hiện trong đơn vị giao tiếp. Như vậy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ là phát triển từng mặt các đơn vị ngôn ngữ nhưng lại phải đạt đến sự tích hợp các thành tố đó trong một đơn vị giao tiếp chỉnh thể là ngôn bản, lời nói mạch lạc mà nó biểu hiện ở hai dạng là đối thoại và độc thoại. Lời nói đối thoại ở trẻ là khả năng tương tác ngôn ngữ của trẻ với những người xung quanh còn độc thoại là khả năng kể chuyện, bày tỏ ý nghĩ của mình, trình bày một cái gì đó để cho người khác có thể hiểu được. Chính vì vậy, khi đánh giá kết quả giáo dục của trường mầm non, các nhà giáo dục Australia có nêu ra một chuẩn về khả năng giao tiếp ngôn ngữ của trẻ: Trẻ phải trở thành một người có thể giao tiếp ngôn ngữ tích cực. (Framework of Early childhood education – Sydney, 2009). Xu hướng đánh giá ngôn ngữ của trẻ hiện nay ở nhiều nước cũng đều là đánh giá khả năng giao tiếp của trẻ mà ít khi quan tâm đến các thành tố đơn lẻ của ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tuy nhiên, các nhà bác học Hoa Kỳ lại đánh giá ngôn ngữ của trẻ dựa vào ngôn ngữ trên cả hai phương diện cấu trúc và chỉnh thể (Morrow – Assessing literacy in preschool, 2009).

Nói đến ngôn ngữ của tuổi mầm non, chúng ta không thể không nhắc đến ngôn ngữ viết (emergent literacy), các nhà khoa học còn gọi là khả năng tiền đọc viết của trẻ. Tuổi mầm non chưa đọc viết được, và điều này cũng chưa đặt ra cho các cháu. Tuy nhiên, chuẩn bị cho trẻ học đọc viết, trở thành người “biết chữ” (to be literate) trong tương lai lại rất quan trọng. Những dấu hiệu ban đầu của khả năng đọc-viết của trẻ (emergent literacy) đã hình thành từ rất sớm, nó cần được nâng đỡ, phát triển trong tuổi mầm non. Như vậy, trong nội hàm ngôn ngữ trẻ sẽ bao gồm cả khả năng tiền đọc-viết của trẻ.

3.2. Hai giai đoạn phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em được các nhà tâm lý – ngôn ngữ học nhìn nhận từ những góc độ khác nhau. L.S. Vưgôtxky xuất phát từ mục đích mà nhìn nhận: “Bản chất sự phát triển ngôn ngữ nhằm mục đích giao tiếp và nhận thức và tất nhiên sự phát triển ngôn ngữ của đứa trẻ không chỉ thuần tuý dựa trên sự phát triển khả năng nhận thức của đứa trẻ”. Nhấn mạnh vai trò giao tiếp của ngôn ngữ, A.A Lêonchiep lại cho rằng: “Sự phát triển của lời nói (ngôn ngữ) của trẻ em trước hết là sự phát triển của phương thức giao tiếp”. Nguyễn Huy Cẩn và KHai-nơ Dịch đều thống nhất với nhau khi cho rằng: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trải qua các giai đoạn từ thấp đến cao, phù hợp với các giai đoạn nhất định của lứa tuổi; có thể thấy được nguồn gốc của sự phát triển ngôn ngữ ở các giai đoạn trước. Các nhà khoa học Hoa Kỳ, Australia. (Morrow Mandel Lesley, Otto Bervelly…) coi phát triển ngôn ngữ cho trẻ là phát triển khả năng giao tiếp ngôn ngữ tích hợp các thành tố ngữ âm, từ vựng. ngữ pháp, lời nói mạch lạc ngữ dụng thêm vào đó là phát triển khả năng tiền đọc viết (emergent literacy) của trẻ. Như vậy, có thể nhận thấy rằng: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là một quá trình từ thấp đến cao với các giai đoạn mang những đặc trưng khác nhau tuỳ thuộc vào độ tuổi của trẻ; ở mỗi giai đoạn có sự kế thừa và phát triển những thành tựu của giai đoạn trước. Các nhà ngôn ngữ học đều thống nhất với nhau chia hai giai đoạn: Giai đoạn tiền ngôn ngữ và giai đoạn ngôn ngữ chính thức.

a. Giai đoạn tiền ngôn ngữ

Đây là thời kỳ đầu tiên của quá trình học nói của đứa trẻ. Mặc dù trẻ chưa có các từ, chưa hiểu cách sử dụng các quy tắc ngữ pháp nhưng trẻ đã bắt đầu bước vào giao tiếp. Các nhà tâm lý học cho rằng thời kỳ tiền ngôn ngữ này là chung cho tất cả các ngôn ngữ và thời kỳ âm bập bẹ của trẻ em trên toàn thế giới là như nhau. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta được sinh ra đã sẵn có bản năng giao tiếp. Giai đoạn giao lưu cảm xúc chiếm vai trò chủ đạo. Đứa trẻ sử dụng các âm bập bẹ, các cử chỉ, thái độ để giao tiếp với người lớn.

b. Giai đoạn ngôn ngữ

Bắt đầu từ 12 tháng trở đi sẽ xuất hiện những âm bập bẹ có nghĩa đầu tiên và ngay lập tức trẻ huy động chúng vào giao tiếp với người lớn. Các âm bập bẹ nhanh chóng mất đi nhường chỗ cho các từ tham gia vào cấu tạo câu sử dụng trong giao tiếp. Những từ đầu tiên xuất hiện, các kiểu câu đơn giản gồm 2-3 từ khiến cho khả năng giao tiếp của trẻ tăng lên. Trẻ tích cực hơn trong giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Nhu cầu giao tiếp tăng lên thúc đẩy hoạt động giao tiếp ngôn ngữ; kết quả là các kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ được hình thành.

This Post Has 2 Comments

  1. I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.

Trả lời