Vai Trò Của Ngôn Ngữ Đối Với Hoạt Động Nhận Thức

Ngôn ngữ, lời nói (hoạt động lời nói) có vai trò rất to lớn trong đời sống tâm lí con người. Ngôn ngữ là một trong hai yếu tố (cùng với lao động) đã làm cho con vật trở thành con người (F. Ănghen). Nói cách khác, ngôn ngữ đã góp phần tích cực làm cho các quá trình tâm lí của con người có chất lượng khác hẳn với con vật. Ngôn ngữ đã cố định lại những kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người, nhờ đó thế hệ sau có đuợc các sức mạnh tinh thần của thế hệ trước. Ngôn ngữ là hình thức tồn tại của ý thức, ngôn ngữ là “ý thức thực tại” của con người (C. Mác)… Có thể nói ngôn ngữ liên quan đến tất cả các quá trình tâm lí của con người, là thành tố quan trọng nhất về mặt nội dung và cấu trúc của tâm lí người, đặc biệt là của các quá trình nhận thức.

Hình ảnh: ngôn ngữ đối với hoạt động nhận thức

I. Ngôn ngữ với nhận thức cảm tính

Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với các quá trình nhận thức cảm tính, nó làm cho các quá trình này ở người mang một chất lượng mới.

1.Đối với cảm giác

Ngôn ngữ ảnh hưởng mạnh đến ngưỡng nhạy cảm của cảm giác, làm cho cảm giác được thu nhận rõ ràng, đậm nét hơn. Thí dụ: nghe những người khác xuýt xoa “trời lạnh quá!” ta dễ cảm thấy lạnh hơn. Khi cảm nhận các thuộc tính của sự vật, hiện tượng ở xung quanh (màu sắc, âm thanh, mùi vị…) ta thường “gọi thầm tên các thuộc tính đó ở trong đầu, điều này làm cho cảm giác của ta về thuộc tính ấy mạnh hơn chính xác hơn.

2. Đối với tri giác

Ngôn ngữ làm cho quá trình tri giác diễn ra dễ dàng, nhanh chóng hơn và làm cho những cái tri giác trở thành khách quan, đầy đủ và rõ ràng hơn. Thí dụ việc tách đối tượng ra khỏi bối cảnh (qui luật về tính lựa chọn của tri giác), việc xây dựng một hình ảnh trọn vẹn về đối tượng tùy theo nhiệm vụ của tri giác (qui luật về tính trọn vẹn của tri giác) nếu được kèm theo bằng lời nói thầm hay nói thành tiếng thì diễn biến sẽ nhanh hơn và kết quả sẽ rõ hơn.

Ngôn ngữ đối với quá trình quan sát càng cần thiết hơn, vì quan sát là tri giác tích cực, có chủ định và có mục đích (tức có ý thức). Tính có ý thức, có mục đích, có chủ định đó được biểu đạt và biểu đạt và điều khiển, điều chỉnh chính nhờ ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ thì tri giác của con người vẫn là tri giác của con vật. Tính có nghĩa trong tri giác của con người là một chất lượng mới làm cho tri giác người khác xa tri giác của con vật. Chất lượng mới này chỉ được hình thành và được biểu đạt thông qua ngôn ngữ.

3. Đối với trí nhớ

Ngôn ngữ cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với trí nhớ của con người. Nó tham gia tích cực vào các quá trình trí nhớ, gắn chặt với các quá trình đó. Thí dụ, việc ghi nhớ sẽ dễ dàng và có kết quả tốt hơn nếu ta nói lên thành lời điều cần ghi nhớ.

Không có ngôn ngữ thì không thể thực hiện sự ghi nhớ có chủ định, sự ghi nhớ có ý nghĩa và kể cả sự ghi nhớ máy móc (học thuộc lòng)… Ngôn ngữ là một phương tiện để ghi nhớ, là một hình thức để lưu giữ những kết quả cần nhớ. Nhờ ngôn ngữ con người có thể chuyển hẳn những thông tin cần nhớ ra bên ngoài đầu óc con người. Chính bằng cách này con người lưu giữ và truyền đạt được kinh nghiệm của loài cho thế hệ sau.

II. Ngôn ngữ với nhận thức lý tính

Đối với tư duy

Ngôn ngữ liên quan chặt chẽ với tư duy con người. Ngôn ngữ và tư duy không có mối quan hệ song song. Ngôn ngữ càng không phải là tư duy và ngược lại tư duy cũng không phải là ngôn ngữ. Mối quan hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ với tư duy là ở chỗ tư duy dùng ngôn ngữ làm phương tiện, công cụ của tư duy, chính nhờ điều này tư duy của con người khác về chất so với tư duy của con vật: con người có tư duy trừu tượng. Không có ngôn ngữ thì con người không thể tư duy trừu tượng và khái quát được. Mối quan hệ không tách rời của tư duy và ngôn ngữ được thể hiện trong ý nghĩa của các từ. Mỗi từ đều có quan hệ với một lớp sự vật, hiện tượng nhất định và gọi tên lớp sự vật hiện tượng đó. Khi gọi tên các sự vật, từ tựa như thay thế chúng và nhờ đó tạo ra những điều kiện vật chất cho những hành động hay thao tác đặc biệt đối với các vật ấy kể cả khi các vật ấy vắng mặt (tức là thao tác với các vật thay thế với kí hiệu từ ngữ hay là ngôn ngữ). Tuy nhiên, từ không chỉ gọi tên sự vật, nhờ vậy tư duy ngôn ngữ trừu tượng hoá được những thuộc tính không bản chất của sự vật và khái quát hoá được những thuộc tính bản chất của nó. Không có ngôn ngữ thì không thể có tư duy khái quát – logic được.

Lời nói bên trong là công cụ quan trọng của tư duy, đặc biệt khi giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Lúc này lời nói bên trong có xu hướng chuyển từng bộ phận thành lời nói thầm (khi nghĩ người ta hay nói lẩm nhẩm là vì thế). Nếu nhiệm vụ quá phức tạp thì ngôn ngữ bên trong chuyển thành lời nói bên ngoài. Người ta nói to lên thì thấy tư duy rõ ràng và thuận lợi hơn. Những điều đó chứng tỏ không có ngôn ngữ, đặc biệt không có lời nói bên trong thì ý nghĩa, tư tưởng không thể hình thành được tức không thể tư duy trừu tượng được.

Đối với tưởng tượng

Ngôn ngữ cũng giữ một vai trò to lớn trong tưởng tượng. Nó là phương tiện để hình thành biểu đạt và duy trì các hình ảnh mới của tưởng tượng. Ngôn ngữ giúp ta làm chính xác hoá các hình ảnh của tưởng tượng đang nảy sinh, tách ra trong chúng những mặt cơ bản nhất, gắn chúng lại với nhau, cố định chúng lại bằng từ và lưu giữ chúng trong trí nhớ. Ngôn ngữ làm cho tưởng tượng trở thành một quá trình ý thức, được điều khiển tích cực, có kết quả và chất lượng cao.

This Post Has 2 Comments

  1. Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?

Trả lời