Phương Pháp Nghiên Cứu

Phương pháp nghiên cứu là các cách thức do người nghiên cứu sử dụng với mục đích thu thập và xử lý thông tin về vấn đề nghiên cứu. Vấn đề lựa chọn phương pháp nghiên cứu phụ thuộc vào cấp độ, loại hình đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu.

Phạm vi nghiên cứu của phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ em rất rộng. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu sẽ là không đầy đủ nếu ta chỉ áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục. Các phương pháp của các ngành khoa học liên quan như ngôn ngữ học, tâm lý học, sinh lý học cũng được sử dụng khi cần thiết để giải quyết các vấn đề nghiên cứu.

Cũng như các khoa học bất kỳ, việc nghiên cứu phương pháp phát triển lời nói trẻ em được tiến hành bởi hai hệ phương pháp:

Nghiên cứu bằng việc tổng hợp, hệ thống lý luận từ các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển của khoa học phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ em.

Nghiên cứu bằng thực nghiệm khoa học.

Dưới đây, chúng tôi xin trình bày một số phương pháp nghiên cứu cơ bản.

1. Phương pháp phân tích và tổng hợp các tài liệu lý luận

Trong nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ em nói riêng, người nghiên cứu cần phải tiến hành đọc các tài liệu: sách vở, tạp chí, các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu…nhằm phân tích và tổng hợp các thông tin có liên quan để xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài.

Bước nghiên cứu tài liệu được tiến hành đầu tiên ngay khi người nghiên cứu có hướng lựa chọn đề tài. Nhờ đọc sách tài liệu, nhà nghiên cứu có khả năng tổng hợp, hệ thống tri thức của nhân loại có liên quan đến đề tài nghiên cứu. Qua việc nghiên cứu, tổng hợp tài liệu, nhà nghiên cứu còn có thể biết được tình hình nghiên cứu vấn đề mà tác giả lựa chọn, xác định phạm vi nghiên cứu của mình một cách chính xác. Có như vậy mới đảm bảo cho những luận cứ, những phương hướng, giải pháp… của đề tài tác giả tiến hành nghiên cứu là đóng góp mới, mang tính sáng tạo. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Phương pháp nghiên cứu này được tiến hành với những công việc sau:

Lập thư mục thống kê các sách báo, những công trình có liên quan đến đề tài nghiên cứu bao gồm các văn kiện của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục về giáo dục mầm non nói chung và phát triển ngôn ngữ trẻ em nói riêng; các công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài; các luận văn, luận án…

Đọc và ghi chép theo các vấn đề: sau khi phân loại tài liệu để biết tài liệu nào cần đọc kỹ, tài liệu nào cần đọc lướt để nắm bắt được các nội dung cơ bản có liên quan đến đề tài nghiên cứu, tiến hành đọc và ghi chép theo kế hoạch. Phân tích đánh giá các tài liệu thu được.

Hệ thống hoá, khái quát thành cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu.

2. Phương pháp quan sát sư phạm

Phương pháp quan sát sư phạm là phương pháp sử dụng có mục đích, có kế hoạch các giác quan, các phương tiện kỹ thuật để ghi nhận, thu thập những biểu hiện của các hiện tượng quá trình giáo dục. Phương pháp này dùng để thu thập số liệu, nghiên cứu thực tiễn và là bước đầu tiên cho các nghiên cứu khoa học.

Trong nghiên cứu khoa học phương pháp phát triển ngôn ngữ trẻ em, đối tượng quan sát là những biểu hiện năng lực phát triển ngôn ngữ của trẻ, các điều kiện của công tác phát triển ngôn ngữ cho trẻ như năng lực của cô giáo, cơ sở vật chất của nhà trường, lớp học, sân chơi, các phương tiện dạy học… Dựa vào các tiêu chí khác nhau, người ta phân loại thành quan sát khía cạnh và quan sát toàn diện (theo bình diện) và quan sát lâu dài và quan sát ngắn hạn (theo thời gian).

Quan sát khía cạnh là quan sát những mặt, những biểu hiện riêng của đối tượng nghiên cứu. Ví dụ như quan sát những biểu hiện phát triển năng lực giao tiếp của trẻ; quan sát việc giảng dạy hay tổ chức hoạt động của giáo viên. Quan sát toàn diện là quan sát tổng thể mọi mặt của quá trình nghiên cứu như quan sát việc dạy và học của cô và cháu trong một hoạt động nào đó.

Quan sát lâu dài là quan sát tiến hành trong một giai đoạn diễn biến của đối tượng nghiên cứu. Chẳng hạn như quan sát sự phát triển vốn từ của trẻ trong suốt thời gian một năm học. Quan sát ngắn hạn là quan sát một thời gian nhất định đủ để đưa ra một kết luận như quan sát khả năng hợp tác của trẻ trong một tiết học cụ thể.

Ngoài các loại quan sát cơ bản trên còn có một số các loại quan sát khác như: quan sát tự nhiên và có bố trí, quan sát thăm dò và đi sâu, quan sát phát hiện và kiểm nghiệm.

Khi tiến hành quan sát phải bảm đảo một số yêu cầu sau:

Đảm bảo tính tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến giáo viên và trẻ để giữ cho sự phản ánh được khách quan.

Đảm bảo tính mục đích; xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ quan sát, đưa ra các tiêu chí đo, xây dựng kế hoạch, chương trình quan sát.

Cần có biên bản ghi chép các tài liệu của quá trình quan sát.

3. Phương pháp điều tra giáo dục

Phương pháp này có nguồn gốc từ xã hội học, được vận dụng vào khoa học giáo dục mầm non và nhiều khoa học khác. Nó các tiểu loại như: Điều tra bằng anket, điều tra bằng trò chuyện, điều tra bằng phỏng vấn, tọa đàm và điều tra bằng trắc nghiệm (test).

3.1. Điều tra bằng anket (phiếu hỏi)

Người nghiên cứu sử dụng một hệ thống câu hỏi để thu thập thông tin về đối tượng điều tra: các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, phụ huynh, những người có quan tâm đến vấn đề nghiên cứu.

Điều tra bằng anket được tiến hành theo các bước sau:

– Lập bảng hỏi. Các câu hỏi phải đảm bảo các yêu cầu:

+ Câu hỏi phải có cách hiểu đơn trị (một cách hiểu).

+ Câu hỏi phải phù hợp với trình độ người được hỏi; không được dùng các thuật ngữ quá khó, ít người biết đến.

+ Không có nội dung đánh giá trực tiếp người bị hỏi.

+ Các phương án trả lời đúng phải được dựa trên một cơ sở thống nhất; các phương án trả lời phải rõ ràng, tránh sự trùng lặp.

+Các phương án trả lời phải đầy đủ

+ Nên nêu ra đầu tiên các câu hỏi mang tính tiếp xúc, tâm lý nhằm nêu mục đích, ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu, tạo cho người bị hỏi có tâm thể thoái mái, dễ chịu để sẵn sàng đối thoại.

+ Có ba loại câu hỏi câu hỏi đóng là các câu hỏi có sẵn các phương án trả lời và người bị hỏi chỉ việc lựa chọn phương án mình cho là đúng Câu hỏi mở là câu hỏi người bị hỏi được trả lời hoàn toàn theo ý mình.

Câu điền khuyết là các câu còn thiếu một phần nội dung; nhiệm vụ của người thực hiện phải điền nội dung bị khuyết thiếu cho hoàn chỉnh câu đó

Điều tra: Chọn địa điểm, đối tượng và số lượng điều tra đảm bảo nguyên tắc đại diện mẫu trong thống kê.

Xử lý kết quả nghiên cứu bằng thống kê toán học.

Phương pháp điều tra bằng anket có ưu điểm là có khả năng thu thập được một khối lượng lớn tài liệu trong một thời gian ngắn mà không đòi hỏi một lực lượng nghiên cứu đông với các phương tiện phức tạp; độ tin cậy của các thông tin lại khá cao. Nhược điểm của nó là người bị hỏi có thể không nói thật làm cho thông tin mất chính xác.

Phương pháp này dùng với mục đích thăm dò, phát hiện, định hướng trong quá trình nghiên cứu.

3.2. Điều tra bằng trò chuyện

Đây là phương pháp thu thập thông tin về các hiện tượng quá trình giáo dục có liên quan đến vấn đề nghiên cứu bằng cách giao tiếp, trao đổi trực tiếp với người được nghiên cứu theo một chương trình nhất định. Nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với người được nghiên cứu, ta có thể thay đổi nội dung câu hỏi khi cần cho phù hợp với yêu cầu nghiên cứu. Tuy nhiên, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu không được thay đổi trong quá trình trò chuyện. Khi tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu phải duy trì không khí thoải mái, tự nhiên; điều này sẽ cho phép nâng cao hiệu quả nghiên cứu và độ tin cậy của thông tin. Cần có sự chuẩn bị câu hỏi trước để giành thế chủ động trong giao tiếp, tạo ra bầu không khí đối thoại cởi mở, thiện chí, cần chủ động quan sát người được hỏi để khai thác thông tin một cách hiệu quả nhất.

3.3. Điều tra bằng phỏng vấn, tọa đàm

Phương pháp này còn gọi là phương pháp chuyên gia, trong đó, người nghiên cứu tiến hành trao đổi, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu với các chuyên gia, các cộng tác viên, những người quan tâm và có kiến thức về vấn đề đang nghiên cứu. Việc phỏng vấn được tiến hành trực tiếp bằng hội thảo, toạ đàm hoặc qua thư từ, e-mail, trực tuyến trên mạng internet.

3.4. Điều tra bằng trắc nghiệm

Trắc nghiệm (test) trong nghiên cứu giáo dục là phương pháp đo lường khách quan những biểu hiện và mức độ phát triển nhân cách nói chung và trình độ nhận thức nói riêng của trẻ. Có thể dùng hệ thống câu hỏi hoặc tranh vẽ… Trong nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ trẻ em, người ta thường dùng test Tâm vận động của Denver hay Những khái niệm ngôn ngữ cơ bản của De Boehm…

4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm sư phạm

Phương pháp này là sự kết hợp lý luận với thực tiễn, từ phân tích thực tiễn rút ra kết luận. Các bước tiến hành như sau:

– Chọn điển hình để khai thác kinh nghiệm.

– Tổng kết kinh nghiệm dựa vào những cơ sở lý luận

– Kiểm nghiệm kinh nghiệm trong thực tiễn.

5. Phương pháp thực nghiệm sư phạm

Phương pháp thực nghiệm sư phạm là phương pháp đặc thù của nghiên cứu khoa học giáo dục, là việc chủ động gây ra các hiện tượng nghiên cứu trong những điều kiện được khống chế nhằm xác định mối quan hệ nhân quả giữa từng nhân tố tác động.

Hình ảnh: Phương pháp thực nghiệm sư phạm

Trong quá trình nghiên cứu khoa học giáo dục, phương pháp thực nghiệm sư phạm được sử dụng nhằm mục đích đưa các nhân tố mới cần nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục. Thực nghiệm làm sáng tỏ các yếu tố tác động tới các nhân tố và đối tượng nghiên cứu khác nhau, giải quyết nhiệm vụ và mục đích của đề tài.

Thực nghiệm sư phạm đòi hỏi người nghiên cứu phải tạo ra kinh nghiệm mới để khẳng định những mối liên hệ dự kiến sẽ có những điều kiện mới.

Các bước tiến hành thực nghiệm được tiến hành như sau:

– Xây dựng giả thuyết thực nghiệm.

– Dự kiến hệ thống chuẩn đánh giá, xác định phương tiện và phương thức đánh giá nhằm so sánh sự biến đổi kết quả trước và sau thực nghiệm sư phạm.

– Lựa chọn đối tượng thực nghiệm theo những yêu cầu nhất định để những kết luận rút ra sau thực nghiệm có thể vận dụng trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục ở phạm vi rộng lớn, bảo đảm tính phù hợp và có thể sai số nhỏ.

+ Đảm bảo tính đại diện tiêu biểu.

+ Khống chế các động không thực nghiệm, nếu chọn nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng trong một lớp học.

+ Khống chế ảnh hưởng thứ tự tác động.

– Các biên bản thực nghiệm phải được ghi chép cẩn thận, đúng quy cách, tỷ mỷ, chính xác, có lượng thông tin phong phú và giá trị.

– Để đảm bảo tính phổ biến của kết quả thực nghiệm, phải chú ý chọn đối tượng đa dạng, tiêu biểu để nghiên cứu, cần tiến hành ở nhiều địa bàn, trên các đối tượng khác nhau, tiến hành thực nghiệm lặp lại nhiều lần cùng một đối tượng ở các thời điểm khác nhau. Chính điều này làm cho kết quả thực nghiệm sư phạm mang tính khách quan nhất trọng các kết quả nghiên cứu bằng các phương pháp khác.

Phương pháp thực nghiệm sư phạm có ưu thế lớn nhất trong việc đi sâu vào các quan hệ bản chất, xác định các quy luật và cơ chế, vạch rõ thành phần và cấu trúc của các hiện tượng giáo dục. Phương pháp này bảo đảm chắc chắn có thể lặp lại thực nghiệm nhiều lần với những kết quả giống nhau, chứng tỏ một quan hệ có tính quy luật.

Đặc điểm cơ bản của thực nghiệm sư phạm là sự điều khiển và can thiệp có chủ định và có kế hoạch của người nghiên cứu vào đối tượng nghiên cứu. Đó là sự cô lập, tách biệt các nhân tố có lợi, có hại để sáng tạo, phát hiện và điều chỉnh các mối liên hệ mới, hợp lý nhằm đạt tới hiệu quả cao trong các tác động giáo dục ngôn ngữ. Các nhân tố mới được chia thành hai loại: Nhân tố thực nghiệm là nhân tố tạo ra nguyên nhân và kết quả; nhân tố trùng hợp là nhân tố cùng lúc tác động với nhân tố thực nghiệm để để tạo nên sự so sánh.

Thực nghiệm sư phạm gồm có: thực nghiệm chọn mẫu; thực nghiệm trong điều kiện tự nhiên và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra còn có thực nghiệm so sánh trình tự và so sánh song song. Thực nghiệm so sánh trình tự là thực nghiệm đối chiếu hay thực nghiệm so sánh hiệu quả quá trình giáo dục khi đưa nhân tố mới vào với kết quả trước đó trên một nhóm nghiệm thể. Thực nghiệm so sánh song song là thực nghiệm được tiến hành cùng một lúc trên hai hay nhiều nhóm. Một nhóm được áp dụng nhân tố thực nghiệm gọi là nhóm thực nghiệm. Nhóm khác hoạt động không có gì khác biệt với bình thường gọi là nhóm đối chứng.

Thực nghiệm sư phạm cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

– Các nhóm thực nghiệm phải như nhau về lứa tuổi, trình độ phát triển, về giới tính và các mặt khác.

– Cần thực nghiệm trên số lượng nghiệm thể đủ lớn để cho độ tin cậy cao; khi tính toán, xử lý số liệu phải sử dụng thống kê toán học.

– Tránh nghiên cứu đồng thời một số mặt gây ảnh hưởng xấu lẫn nhau, hạn chế kết quả nghiên cứu.

– Để kết quả nghiên cứu khách quan, cần xác định, kiểm tra trình độ ban đầu của các nhóm. Cuối thực nghiệm đánh giá và ghi kết quả cuối cùng.

6. Phương pháp thống kê toán học

Phương pháp thống kê toán học có đối tượng nghiên cứu là việc thu thập, đúc kết các số liệu quan sát, thực nghiệm, phân tích và rút ra kết luận có độ tin cậy cao.

Phương pháp này giúp ta đánh giá chất lượng giáo dục, so sánh hiệu quả của các phương pháp giáo dục khác nhau, phân tích các mối quan hệ giữa các hiện tượng giáo dục, tác động của các nhân tố đối với các hiện tượng giáo dục, loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên, làm sáng tỏ các quy luật của các hiện tượng giáo dục.

Một số điểm cần lưu ý:

+ Nhà nghiên cứu xuất phát từ mục đích nghiên cứu xử lý và phân tích số liệu thu được biểu thị nội dung cơ bản của nó bằng một số chỉ số, vạch rõ mối liên hệ giữa các chỉ số đó.
+ Sử dụng các công thức tính toán khác nhau.

+ Từ sự khái quát các hiện tượng giống nhau rút ra các kết luận có ý nghĩa.

Sử dụng các công thức toán học để xử lý kết quả nghiên cứu cho phép xác định độ tin cậy của những kết luận khoa học, có thể phổ biến chúng trong các trường hợp tương tự.

This Post Has 3 Comments

Trả lời