Những Nhiệm Vụ Phát Triển Ngôn Ngữ Trẻ Em

1. Giáo dục chuẩn mực ngữ âm tiếng Việt

– Luyện cho trẻ nghe âm thanh ngôn ngữ: Trong việc học lời nói của trẻ thì cơ quan phân tích thính giác có một vai trò vô cùng quan trọng. Đó là cửa ngõ của âm thanh ngôn ngữ. Tai nghe không tốt thì cũng dẫn đến thiểu năng về nói và trí tuệ chậm phát triển (Phần lớn trẻ câm – thiểu năng trí tuệ là do điếc bẩm sinh).

– Dạy trẻ phát âm đúng các âm vị, trong các kết hợp âm tiết – từ – câu theo chuẩn mực âm thanh tiếng Việt (chính âm).

– Trẻ học điều chỉnh hơi thở ngôn ngữ để tạo nên sự hợp lý của âm thanh ngôn ngữ về cường độ, nhịp điệu, tốc độ của lời nói. Rèn luyện cho trẻ sử dụng ngữ điệu để tạo nên sự biểu cảm về phương diện âm thanh lời nói

– Sửa các lỗi phát âm cho trẻ: bắt đầu học nói, khi bộ máy phát âm chưa hoàn thiện thì nói ngọng là hiện tượng thường thấy ở trẻ. Sửa các lỗi nói ngọng (phát âm sai âm vị, thanh điệu) là một công việc phổ biến trong công việc dạy nói cho trẻ.

2. Hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ

– Làm giàu vốn từ cho trẻ là phát triển vốn từ về chiều rộng (tăng số lượng từ trong vốn từ của trẻ); cung cấp thêm các từ tên gọi của các sự vật, hiện tượng các hoạt động trạng thái; các tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.

– Nâng cao khả năng hiểu nghĩa tử của trẻ; dạy trẻ dùng từ chính xác phát triển vốn tử đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa, điều này giúp trẻ khả năng lựa chọn và sử dụng tử chính xác.

– Tích cực hoá vốn từ của trẻ: Từ phải được sử dụng đúng trong cấu trúc câu. Một từ có thể sử dụng trong nhiều câu khác nhau, được tích cực hoá trong hoạt động giao tiếp.

Hình ảnh: phát triển vốn từ cho trẻ

3. Dạy trẻ sử dụng các mẫu câu tiếng Việt

Dạy trẻ nói đúng các mẫu câu theo cấu trúc câu tiếng việt: Các loại câu đơn, câu ghép; các kiểu câu đặc biệt trong các tình huống giao tiếp, Bên cạnh đó cần sửa các câu sai: câu què, cụt: các câu sai về trật tự từ, sai về lô gic.

4. Phát triển lời nói mạch lạc

– Đơn vị ngôn ngữ để giao tiếp không phải là một câu mà là một ngôn bản. Vì thế sự mạch lạc của lời nói rất cần thiết. Nó được phát triển ngay từ khi trẻ bắt đầu học nói.

– Dạy lời nói mạch lạc có hai dạng là đối thoại và độc thoại. Thực chất là rèn luyện khả năng tư duy ngôn ngữ và sử dụng lời nói để giao tiếp. Sự mạch lạc của ngôn ngữ chính là sự mạch lạc của tư duy.

– Hình thức quan trọng của lời nói mạch lạc là kể chuyện. Trong trưởng mầm non có nhiều hình thức như kể chuyện theo tranh, kể chuyện theo đồ chơi, kể lại chuyện, kể chuyện theo tác phẩm văn học….

5. Chuẩn bị cho trẻ khả năng tiền đọc – viết

– Cho trẻ làm quen với hệ thống chữ viết tiếng Việt.

– Cho trẻ làm quen dần với các biểu tượng đơn vị ngôn ngữ: âm, tiếng, từ câu…

– Cho trẻ làm quen dần với một số hành vi đọc – viết: ngồi, cầm bút viết, tô trên giấy, tô chữ cái tiếng Việt và trong các từ, giở sách, đọc “từ trên xuống, từ trái qua phải…”.

6. Phát triển lời nói nghệ thuật thông qua việc cho trẻ tiếp xúc với thơ, truyện

Tuổi mầm non rất nhạy cảm với nghệ thuật ngôn từ. Âm điệu, hình tượng của các bài hát ru, đồng dao, ca dao dân ca sớm đi vào tâm hồn tuổi thơ. Những câu chuyện cổ tích, thần thoại đặc biệt hấp dẫn trẻ. Chính vì vậy, cho trẻ tiếp xúc với thơ, truyện là một con đường phát triển lời nói, đặc biệt là lời nói nghệ thuật (Nguyễn Xuân Khoa gọi là lời nói có tính chất thơ mộng).

7. Giáo dục tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ và văn hoá giao tiếp ngôn ngữ

Tiếng mẹ đẻ là tài sản vô giá mà cha ông để lại cho các thế hệ con cháu. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với những cuộc chiến đấu chống xâm lược ngoại bang cha ông ta cũng phải kiên trì đấu tranh đã giữ gìn truyền thống văn hóa trong đó có tiếng nói của dân tộc. Vì thế nhà trường cần có nhiệm vụ giáo dục lòng tự hào và ý thức giữ gìn phát huy tài sản quý báu đó. Làm sao để ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã biết nâng niu, qúy trong tiếng mẹ đẻ. Và cô giáo trước hết phải là một tấm gương sáng cho các cháu noi theo.

Giáo dục văn hóa giao tiếp ngôn ngữ cũng là một nội dung quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Văn hoá giao tiếp ngôn ngữ thể hiện trong tất cả các thành tố ngôn ngữ như: sử dụng âm thanh, ngữ điệu sao cho phù hợp, biểu cảm; sử dụng từ ngữ chính xác, phong phú, gợi cảm, sử dụng các mẫu câu phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp; lời nói rõ ràng, mạch lạc, khi cần sử dụng các phương tiện biểu cảm, các phương tiện tu từ tăng cường hiệu quả giao tiếp một cách có văn hoá. Bên cạnh đó cũng cần chú ý rèn luyện cho trẻ sử dụng phối hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, điệu bộ… Tất cả những điều đó cần hình thành cho trẻ ngay từ khi bắt đầu học nói, tạo thành những thói quen giao tiếp ngôn ngữ lịch sự, có văn hoá.

This Post Has 4 Comments

  1. Md.Mariful islam

    Wonderful ads

  2. 註冊

    I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.

Trả lời