Chức Năng Của Ngôn Ngữ

Ngôn ngữ có nhiều chức năng nhưng trong đó quan trọng nhất là hai chức năng công cụ giao tiếp và công cụ tư duy.

1. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người

Giao tiếp là gì? Giao tiếp là sự truyền đạt thông tin từ người này đến người khác với một mục đích nhất định nào đó. Khi giao tiếp, người ta trao đổi tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, hiểu biết… với nhau và tác động đến nhau về mặt nhận thức tình cảm và hành động. Giao tiếp được thực hiện nhờ một công cụ tốt nhất là ngôn ngữ.

Giao tiếp là nhu cầu có tính bản năng của sinh vật bậc cao và là nhu cầu đặc biệt thiết yếu với con người. Hoạt động giao tiếp có ngay từ khi có con người và xã hội loài người, và ngày càng phong phú, đa dạng cùng với sự phát triển của con người và xã hội. Con người và xã hội không thể thiếu hoạt động giao tiếp. Nhờ có hoạt động giao tiếp, con người mới dần trưởng thành để có được những đặc trưng xã hội và xã hội loài người mới dần hình thành và phát triển. Đặc điểm của hoạt động giao tiếp là bao giờ cũng xảy ra trong một hoàn cảnh nhất định, với những phương tiện nhất định và nhằm một mục tiêu nhất định.

Lênin đã coi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Ngôn ngữ không phải là công cụ giao tiếp duy nhất nhưng là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của loài người (xét ở tính thuận tiện và hiệu quả của việc giao tiếp bằng ngôn ngữ). Loài người đã tiến hành giao tiếp bằng nhiều loại công cụ. Nhưng những công cụ này dù có những ưu điểm mà ngôn ngữ không có nhưng lại có nhiều hạn chế và không thể quan trọng bằng ngôn ngữ. Cử chỉ, nét mặt, dáng điệu cũng là những phương tiện giao tiếp quan trọng. Nhưng so với ngôn ngữ, chúng thật nghèo nàn và hạn chế. Không một cử chỉ nét mặt nào có thể diễn đạt một nội dung chẳng hạn: “Tại sao nói ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt?”. Hơn nữa nhiều cử chỉ có ý nghĩa không rõ ràng, chính xác. Có thể người tạo cử chỉ nghĩ một đằng người tiếp thu nó hiểu một nẻo.

Hình ảnh: Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp

Các nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, khiêu vũ.. đều là những phương tiện giao tiếp rất phong phú của con người. Chúng có những khả năng to lớn và kỳ diệu nhưng vẫn bị hạn chế nhiều mặt so với ngôn ngữ. Chúng không thể truyền đạt khái niệm và tư tưởng mà chỉ khơi gợi chúng trên cơ sở những hình ảnh thị giác hay thính giác gây ra được ở người xem. Những tư tưởng, tình cảm này thường thiếu tính chính xác, rõ ràng, thường rất đa nghĩa. Ngay cả ở những hội nghị về âm nhạc, hội họa, điêu khắc… người ta cũng không thể nào chỉ giao tiếp nhờ các tác phẩm âm nhạc, hội họa hay điêu khắc mà không cần dùng đến ngôn ngữ. Những hệ thống ký hiệu được dùng trong giao thông toán học, tin học hàng hải, quân sự… cũng tương tự như vậy. Chúng chỉ được dùng trong những phạm vi hạn chế nên chỉ có thể là phương tiện giao tiếp bổ sung quan trọng bên cạnh phương tiện ngôn ngữ là cái được dùng chung trong phạm vi toàn xã hội.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp còn thể hiện ở chỗ ngôn ngữ giúp con người có thể tàng trữ những kinh nghiệm sản xuất để truyền từ đời này sang đời khác. Ngôn ngữ giúp trao đổi tư tưởng, tình cảm, xác lập các mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội. Thông qua sự nối kết tập thể này, ngôn ngữ là một thứ công cụ để tổ chức xã hội, duy trì mối quan hệ người – người trong xã hội (công cụ đấu tranh sản xuất và đấu tranh xã hội, giai cấp). Ngôn ngữ là công cụ giúp cho con người giao tiếp, trao đổi, và đi đến hiểu biết lẫn nhau. Không có sự hiểu biết ấy, không thể có hành động chung của con người trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và không thể đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất của đời sống con người. Cho nên nếu không có một thứ ngôn ngữ chung cho cả cộng đồng dùng để giao tiếp, để thắt chặt các mối quan hệ thì xã hội cũng không thể tồn tại được. Với ý nghĩa này, ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp thì đồng thời cũng là một công cụ đấu tranh phát triển xã hội.

2. Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy

Tư duy là giai đoạn nhận thức lý tính, nhận thức gián tiếp, khái quát. Khả năng phản ánh thực tế dưới dạng khái niệm, phán đoán và kết luận tức là kết quả của quá trình suy nghĩ, tư duy. Trong quá trình tác động vào thế giới xung quanh, con người đồng thời nhận thức các mặt khác nhau của nó. Việc này diễn ra dưới dạng những cảm giác, tri giác, biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lý. Những cảm giác, tri giác, biểu tượng cho phép ta nhận thức được một cách cảm tính các thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Ở giai đoạn nhận thức này, con người không nhận biết được mối liên hệ có tính quy luật, tất yếu giữa các thuộc tính của một sự vật, hiện tượng và giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Đó là giai đoạn nhận thức cảm tính mà cả loài người và loài vật đều có tuy không giống nhau về mức độ. Trên cơ sở nhận thức cảm tính, loài người cũng nhận thức thế giới thông qua từ duy. Đây là giai đoạn nhận thức thế giới khách quan một cách gián tiếp khái quát là giai đoạn nhận thức lý tính. Ở giai đoạn này của quá trình nhận thức, trí tuệ con người hình thành các khái niệm, các phán đoán và sự vật, hiện tượng và tiến hành các suy luận về chúng. Như vậy, quá trình nhận thức có hai giai đoạn giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lý tính. Ngoài ra, tư duy còn được hiểu là bản thân quá trình suy nghĩ phản ánh cuộc sống dưới dạng tư tưởng, là quá trình hình thành tư tưởng.

Mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Ngôn ngữ và tư duy cùng xuất hiện một lúc. Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy và chỉ có con người động vật cao cấp – mới có tư duy. Không có ngôn ngữ thì không có tư duy, nói cách khác chúng ta không thể tư duy nếu không có ngôn ngữ (không thể tư duy bằng các công thức toán học, đường nét, nốt nhạc … mà chỉ có thể tư duy bằng ngôn ngữ). Bởi thế, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thường so sánh mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy, như bóng với hình.

Chức năng giao tiếp của ngôn ngữ gắn liền với chức năng thể hiện tư duy của ngôn ngữ. Vì khi giao tiếp, con người cần phải nói với nhau một cái gì đây (tu tưởng tinh cam,… ). Như vậy, ngôn ngữ không phải là các tổ hợp âm thanh đơn thuần, mà thực chất là nơi làng trữ những kinh nghiệm của loài người. Chức năng tư duy của ngôn ngữ là độc lập với chức năng giao tiếp bởi vì, ngôn ngữ không phải chỉ cần đến khi chúng ta nói năng giao tiếp, mà cần đến ngay cả khi chúng ta suy nghĩ thầm lặng khi độc thoại nội tâm…

Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Không có từ nào, câu nào mà không biểu hiện khái niệm hay tư tưởng. Ngược lại, không có ý nghĩ, tư tưởng nào mà không tồn tại dưới dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tư tưởng một ý nghĩ, tư tưởng chỉ rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Quá trình đi tìm từ, câu cần thiết để nói cũng là quá trình làm cho ý nghĩ, khái niệm trở nên rõ ràng và có thể hiểu được. Chừng nào chưa được biểu hiện bằng ngôn ngữ, thì ý nghĩ còn chưa rõ ràng, mơ hồ.

Ngôn ngữ không chỉ tồn tại ở dạng tiếng nói mà còn tồn tại ở dạng biểu tượng âm thanh trong óc, dạng chữ viết trên giấy. Khi nghe, biểu tượng âm thanh xuất hiện. Khi nói, biểu tượng chuyển động phát âm xuất hiện. Khi nhìn: biểu tượng thị giác về từ xuất hiện. Chức năng tư duy của ngôn ngữ không chỉ xuất hiện khi ngôn ngữ được phát thành lời, mà cả khi im lặng suy nghĩ hoặc viết ra giấy. (Thí nghiệm của nhà ngôn ngữ học Brôpxki: gắn điện cực hình kim bằng thép vào lưỡi và đầu môi của một người để chứng minh về lời nói bên trong khi người ta suy nghĩ. Sự thay đổi điện vị khi suy nghĩ dù nhỏ nhưng có khớp với sự thay đổi điện vị khi phát ra âm thanh ngôn ngữ).

Như vậy, ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là chỗ dựa để suy nghĩ và ghi lại kết quả suy nghĩ của con người. Ngôn ngữ và tư duy thống nhất với nhau, không có ngôn ngữ thì không có tư duy và ngược lại không có tư duy thì ngôn ngữ chỉ là vỏ âm thanh trống rỗng, thực chất là không có ngôn ngữ. Hai chức năng giao tiếp và tư duy được thực hiện không tách rời nhau mà gắn bó chặt chẽ với nhau: Khi tư duy, hoạt động giao tiếp vẫn diễn ra không ngừng và ngược lại khi giao tiếp, hoạt động tư duy vẫn diễn ra liên tục (để kiểm tra, điều chỉnh thông tin).

Ngôn ngữ và tư duy có những điểm khác biệt. Ngôn ngữ là vật chất còn tư duy là tinh thần. Đơn vị của tư duy (khái niệm, phán đoán, suy lý) không đồng nhất với đơn vị của ngôn ngữ (âm vị hình vị, câu…). Tư duy có tính nhân loại còn ngôn ngữ có tính dân tộc. Tóm lại ngôn ngữ và tư duy là thống nhất nhưng không đồng nhất. Chức năng của ngôn ngữ đối với tư duy là ngôn ngữ thể hiện tư tưởng và trực tiếp tham gia vào việc hình thành tư tưởng.

This Post Has 2 Comments

Trả lời