Nhiệm Vụ Và Phương Pháp Nghiên Cứu Của Lí Luận Giáo Dục Thể Chất

1. Nhiệm vụ nghiên cứu của Lí luận giáo dục thể chất

Xuất phát từ mục tiêu giáo dục thể chất nhằm điều khiển sự phát triển toàn diện thể chất và tinh thần con người phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và dự báo phát triển trong tương lai, lí luận giáo dục thể chất nghiên cứu theo một số hướng sau:

– Nghiên cứu theo hướng điều tra cơ bản: tìm hiểu thực trạng thể chất của trẻ em mọi lứa tuổi, thực trạng giáo dục thể chất ở trường học, quy luật phát triển thể chất, tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu lí luận cơ bản nhằm xây dựng cơ sở lí luận bộ môn.

– Nghiên cứu ứng dụng các nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện, đánh giá trong lĩnh vực giáo dục thể chất cho các lứa tuổi, thử nghiệm mô hình mới về giáo dục thể chất.

– Nghiên cứu theo hướng triển khai nhằm phát triển kết quả của nghiên cứu ứng dụng vào đại trà.

2. Phương pháp nghiên cứu của Lí luận giáo dục thể chất

Phương pháp nghiên cứu là các cách thức do người nghiên cứu sử dụng với mục đích thu nhận và xử lí thông tin về vấn đề nghiên cứu.

Vấn đề lựa chọn phương pháp nghiên cứu phụ thuộc vào cấp độ, loại hình đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu.

Phạm trù những vấn đề nghiên cứu của lí luận giáo dục thể chất rất rộng, vì vậy trong quá trình nghiên cứu không chỉ áp dụng những phương pháp giáo dục, mà còn những phương pháp trong các lĩnh vực khoa học khác có liên quan như: Sinh lí học, Nhân chủng học, Sinh hoá học, Tâm lí học,…

Việc nghiên cứu khoa học trong giáo dục thể chất cũng như trong bất kì môn khoa học nào được chia làm hai loại:

– Nghiên cứu bằng tổng hợp, hệ thống lí luận từ các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình phát triển khoa học giáo dục thể chất

– Nghiên cứu bằng thực nghiệm khoa học.

Một số phương pháp nghiên cứu cơ bản:

2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp lí luận

Trong nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học giáo dục thể chất nói riêng, nhà nghiên cứu cần phải đọc, nghiên cứu tài liệu, báo chí, văn kiện,… nhằm phân tích và tổng hợp các thông tin có liên quan đến đề tài để xây dựng cơ sở lí luận cho đề tài.

Ngay từ khâu chọn đề tài, xây dựng đề cương nghiên cứu, nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp này.

Nhờ đọc sách, tài liệu tham khảo, nhà nghiên cứu có khả năng hệ thống những tri thức của nhân loại có liên quan đến đề tài nghiên cứu, như vậy mới đảm bảo cho những giải pháp, những phương hướng, những luận cứ của đề tài mà tác giả đang nghiên cứu thực sự có tính sáng tạo. Đây cũng là tính chất đặc trưng cơ bản của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Qua đọc sách, có thể biết được những vấn đề nào chưa được giải quyết và có thể xây dựng thành đề tài nghiên cứu mới, được nghiên cứu dưới hình thức và cấp độ nào, phạm vi và giới hạn đến đâu, cần sử dụng những phương pháp nghiên cứu nào?.

Cách chọn sách và tài liệu tham khảo, tiến hành đọc, nghiên cứu và ghi chép tư liệu:

– Lập thư mục: Thống kê sách báo, những công trình có liên quan đến đề tài nghiên cứu, lựa chọn và đọc những tài liệu tốt nhất, lập kế hoạch đọc sách hợp lí.

+ Những văn kiện của Nhà nước, của ngành Giáo dục và thể dục thể thao về những vấn đề có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

+ Những công trình nghiên cứu các vấn đề trực tiếp liên quan đến đề tài, những khoá luận, luận văn, luận án, những bài báo mới nhất trong các tạp chí chuyên ngành hoặc có liên quan.

+ Các tài liệu về tin học, điều khiển học, thống kê, xác suất.

– Đọc và ghi chép theo vấn đề được giải quyết:

+ Phân loại tài liệu: Những tài liệu nào cần đọc kĩ và những tài liệu nào cần đọc lướt để nắm bắt được các nội dung cơ bản có liên quan với nội dung nghiên cứu.

+ Cần đọc nguyên bản các tài liệu, tư liệu, các công trình khoa học để hiểu sâu sắc hơn.

+ Những vấn đề đã đọc cần giữ làm tài liệu bằng cách phô tô, ghi chép…. Phân tích, đánh giá tư liệu, số liệu.

– Hệ thống hoá, khái quát hoá thành lịch sử vấn đề nghiên cứu.

2.2. Phương pháp quan sát sư phạm

Phương pháp quan sát sư phạm là phương pháp sử dụng có mục đích, có kế hoạch các giác quan, các phương tiện kĩ thuật để ghi nhận, thu thập những biểu hiện của các hiện tượng, quá trình giáo dục. Phương pháp này dùng để thu thập số liệu, nghiên cứu thực tiễn và là bước đầu tiên cho các nghiên cứu khoa học.

Trong nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất, đối tượng quan sát là những động tác, kĩ thuật bài tập, các hành động, cử chỉ, lời nói của trẻ em, giáo viên và phụ huynh về các điều kiện của hoạt động giáo dục thể chất như cơ sở vật chất của nhà trường, phương tiện dạy học, lớp học, sân chơi,… Dựa vào các tiêu chí khác nhau có các loại quan sát sau:

– Dựa vào vấn đề quan sát, có quan sát khía cạnh và quan sát toàn diện.

+ Quan sát khía cạnh là quan sát theo những mặt, những biểu hiện riêng của đối tượng nghiên cứu. Ví dụ như: quan sát thái độ của trẻ trong tập luyện, quan sát việc làm mẫu của giáo viên và sử dụng phương pháp của giáo viên.

+ Quan sát toàn diện là quan sát mọi mặt của đối tượng nghiên cứu: quan sát quá trình vận động, tập luyện của trẻ trong suốt giờ học thể dục, quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và trẻ trong quá trình lên lớp, các hoạt động ngoài tiết học thể dục.

– Dựa vào thời gian quan sát, có quan sát lâu dài và ngắn hạn.

+ Quan sát lâu dài là quan sát qua các giai đoạn diễn biến của đối tượng nghiên cứu trong một thời gian dài. Ví dụ như: theo dõi sự diễn biến về tâm lí, thái độ, hành vi của trẻ từ lớp mẫu giáo bé đến lớp mẫu giáo lớn khi thực hiện nội dung bài tập thể chất.

Ngoài ra còn có một số loại quan sát sau:

– Quan sát tự nhiên và có bố trí.

– Quan sát thăm dò và đi sâu.

– Quan sát phát hiện và kiểm nghiệm.

Các yêu cầu đối với quan sát sư phạm:

– Đảm bảo tính tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến giáo viên và trẻ để phản ánh khách quan các hiện tượng giáo dục.

– Đảm bảo tính mục đích, quan sát rõ ràng: xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quan sát, đưa ra các tiêu chí đo, xây dựng kế hoạch, chương trình quan sát.

Cần có biên bản quan sát, ghi chép đầy đủ những vấn đề cần quan sát.

2.3. Phương pháp điều tra giáo dục

Phương pháp này có nguồn gốc từ xã hội học, được vận dụng vào khoa học giáo dục và các khoa học khác, bao gồm các phương pháp sau:

a. Phương pháp điều tra bằng an két – phiếu điều tra, thăm dò ý kiến

Hình ảnh: Phương pháp anket

Người nghiên cứu dùng một hệ thống câu hỏi để thu thập thông tin về đối tượng điều tra: những người có liên quan hoặc quan tâm đến giáo dục thể chất, các cán bộ quản lí, giáo viên, trẻ em về hoạt động giáo dục thể chất.

Phương pháp điều tra bằng an kết được tiến hành theo các bước Lập phiếu điều tra.

Việc xây dựng câu hỏi của phiếu điều tra yêu cầu như sau:

+ Câu hỏi phải có cách hiểu đơn trị: khi đọc lên chỉ có một cách hiểu.

+ Câu hỏi phải phù hợp với trình độ người được hỏi. Không được dùng những thuật ngữ quá khoa học, ít người biết đến.

+ Không dùng các câu hỏi không rõ về cấp độ so sánh các vấn đề trong công tác tổ chức, quản lí giáo dục thể chất. Không nên dùng các từ “thường xuyên”, “đôi khi”, “thỉnh thoảng” để chỉ các tần số hoạt động. Nếu sử dụng các từ đó, thì phải nêu cụ thể số lần lặp lại của mỗi mức độ là bao nhiêu.

+ Không có nội dung đánh giá trực tiếp người bị hỏi.

+ Các phương án trả lời đúng phải được phân chia theo một cơ sở thống nhất và các phương án trả lời phải rõ ràng, không chồng chéo, tránh trùng lặp.

+ Các phương án trả lời nêu ra phải đầy đủ để người được hỏi trả lời.

+ Bố trí phiếu điều tra: Câu hỏi mang tính chất tiếp xúc, tâm lí nhằm nêu mục đích, ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu, tạo nên tâm thế sẵn sàng trả lời. Sau đó là những câu hỏi về nội dung cần thu thập thông tin. Nên xen kẽ câu hỏi lặp, câu hỏi kiểm tra để loại phiếu không hợp lệ.

+ Có 3 loại câu hỏi: Câu hỏi đóng là câu hỏi có nhiều phương án trả lời, người bị hỏi lựa chọn phương án 1 hoặc 2 hoặc 3 mà họ cho là đúng, các câu trả lời có sẵn để lựa chọn. Câu hỏi mở là câu hỏi mà phương án trả lời do người được hỏi lựa chọn. Câu hỏi kết hợp vừa đông, vừa mở. Đối với các câu hỏi mở cần phân tích kĩ nội dung các vấn đề được ghi trong phiếu hỏi, xác định độ lặp lại của các nội dung giống nhau,… từ đó tìm ra các quy luật, các hiện tượng thực tế để có phương án khắc phục hoặc bổ sung các vấn đề vào chương trình nghiên cứu, hoặc dự báo các vấn đề sẽ nảy sinh, cần có biện pháp khắc phục và điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu.

– Điều tra: Chọn địa điểm, đối tượng và số lượng điều tra đảm bảo nguyên tắc đại diện mẫu trong thống kê.

– Xử lí kết quả điều tra: Kết quả điều tra phải được xử lí bằng phương pháp thống kê toán học.

Phương pháp này có các ưu, nhược điểm sau:

– Ưu điểm: Có khả năng thu được một khối lượng tài liệu lớn trong một thời gian ngắn mà không đòi hỏi một lực lượng nghiên cứu đông với các phương tiện phức tạp, độ tin cậy của các thông tin thu được lại khá cao.

– Nhược điểm: Người được điều tra có thể sẽ không nói thật, đôi khi còn không trung thực về ý nghĩ của mình.

Phương pháp này dùng với mục đích phát hiện, thăm dò, định hướng trong quá trình nghiên cứu.

b. Phương pháp điều tra bằng trò chuyện

Phương pháp điều tra bằng trò chuyện là phương pháp thu thập các thông tin về các hiện tượng, quá trình giáo dục thể chất có liên quan đến vấn đề nghiên cứu bằng cách trao đổi, giao tiếp trực tiếp với người được nghiên cứu theo một chương trình đã quy định.

Đặc điểm của phương pháp này là nhờ sự tiếp xúc trực tiếp với người được nghiên cứu nên có thể thay đổi nội dung các câu hỏi cho phù hợp với các câu trả lời. Tuy nhiên, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu không được thay đổi trong quá trình trò chuyện.

Khi tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu, việc duy trì không khí thoải mái, tự nhiên sẽ cho phép nghiên cứu có hiệu quả và độ tin cậy của thông tin được nâng lên. Cần có sự chuẩn bị câu hỏi trước để chủ động trao đổi, tạo ra không khí nói chuyện cởi mở, thiện chí, chủ động quan sát người được hỏi để khai thác thông tin.

c. Phương pháp điều tra bằng ý kiến của các chuyên gia

Khi sử dụng phương pháp này, người nghiên cứu tiến hành trao đổi, toạ đàm về các vấn đề liên quan đến kế hoạch tổ chức nghiên cứu đã đề ra và các ý kiến trả lời của các chuyên gia, các cộng tác viên, những người có liên quan tới nội dung điều tra. Phương pháp này không đòi hỏi phương tiện kĩ thuật phức tạp mà vẫn biết được quan điểm của các chuyên gia.

Điều tra bằng ý kiến của các chuyên gia được thực hiện theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp, thực hiện tại chỗ hay qua con đường bưu chính, viễn thông.

d. Phương pháp điều tra bằng trắc nghiệm

Trắc nghiệm (Test) trong nghiên cứu giáo dục là phương pháp đo lường khách quan những biểu hiện và mức độ phát triển nhân cách nói chung, trình độ nhận thức nói riêng của người học thông qua các mẫu câu hỏi, tranh vẽ,…

Trong nghiên cứu giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, người ta thường sử dụng các trắc nghiệm để điều tra mức độ phát triển thể chất của trẻ. Một số trắc nghiệm thường sử dụng như: tâm vận động Denver, tâm vận động Brunet Lezine, trắc nghiệm vận động Ôzerétxki,…

2.4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm sư phạm

Phương pháp này là phương pháp kết hợp lí luận với thực tiễn, từ phân tích thực tiễn rút ra kết luận.

Các bước tiến hành:

– Chọn điển hình để khai thác kinh nghiệm.

– Hệ thống hoá kinh nghiệm bằng cách dùng lí luận để phân tích.

– Kiểm nghiệm kinh nghiệm ấy trong thực tiễn.

2.5. Phương pháp thực nghiệm sư phạm

Phương pháp thực nghiệm sư phạm là phương pháp đặc thù của nghiên cứu khoa học giáo dục, là việc chủ động gây ra các hiện tượng nghiên cứu trong những điều kiện được khống chế nhằm xác định mối quan hệ nhân quả giữa từng nhân tố tác động.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất, phương pháp thực nghiệm sư phạm được sử dụng nhằm mục đích đưa các nhân tố mới cần nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục. Thực nghiệm góp phần làm sáng tỏ những yếu tố tác động tới các nhân tố và đối tượng nghiên cứu khác nhau, giải quyết nhiệm vụ và mục đích của đề tài.

Thực nghiệm sư phạm đòi hỏi người nghiên cứu phải tạo ra những kinh nghiệm mới để khẳng định những mối liên hệ dự kiến sẽ có trong những điều kiện mới.

Các bước tiến hành thực nghiệm bao gồm:

– Xây dựng giả thuyết thực nghiệm.

– Dự kiến hệ thống chuẩn đánh giá, xác định phương tiện và cách thức đánh giá nhằm so sánh sự biến đổi kết quả trước và sau thực nghiệm sư phạm.

– Lựa chọn đối tượng thực nghiệm theo những yêu cầu nhất định để các kết luận rút ra sau thực nghiệm có thể vận dụng trong quá trình tổ chức giáo dục thể chất ở phạm vi rộng lớn, bảo đảm tính phù hợp và có thể có sai số nhỏ.

+ Đảm bảo tính đại diện và tiêu biểu.

+ Khống chế các tác động không thực nghiệm, nếu chọn nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng trong một lớp học.

+ Khống chế ảnh hưởng thứ tự các tác động.

– Các biên bản thực nghiệm phải được ghi chép cẩn thận, đúng quy cách, tỉ mỉ, chính xác, có lượng thông tin phong phú và giá trị.

– Để đảm bảo tính phổ biến của kết quả thực nghiệm, phải chú ý chọn đối tượng đa dạng, tiêu biểu để nghiên cứu, cần tiến hành ở nhiều địa bàn, trên các đối tượng khác nhau, tiến hành thực nghiệm lặp lại nhiều lần cùng một đối tượng ở các thời điểm khác nhau. Chính điều này làm cho kết quả thực nghiệm sư phạm mang tính khách quan nhất trong các kết quả nghiên cứu bằng các phương pháp khác.

Phương pháp thực nghiệm sư phạm có ưu thế lớn nhất trong việc đi sâu vào các quan hệ bản chất, xác định các quy luật và cơ chế, vạch rõ các thành phần và cấu trúc của hiện tượng giáo dục. Bảo đảm chắc chắn nhất của phương pháp này là có thể lặp lại thực nghiệm nhiều lần với những kết quả giống nhau, chứng tỏ mối quan hệ có tính quy luật.

Trong thực tiễn giáo dục thể chất cho thấy, các nhân tố mới trong thực nghiệm có thể là kĩ thuật động tác, các phương pháp và phương tiện tập luyện, các thành phần của lượng vận động, các nhân tố tâm lí,…

Đặc điểm cơ bản của thực nghiệm sư phạm là sự điều khiển và can thiệp có chủ định, có kế hoạch của con người vào đối tượng nghiên cứu, đó là sự cô lập, tách biệt nhân tố có lợi, hại để sáng tạo, phát hiện và điều chỉnh các mối liên hệ mới, hợp nhằm đạt tới hiệu quả cao trong tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

Các nhân tố mới được chia thành hai loại: nhân tố thực nghiệm là nhân tố tạo ra nguyên nhân và kết quả; nhân tố trùng hợp là nhân tố cùng lúc tác động với nhân tố thực nghiệm để tạo nên sự so sánh.

Nội dung thực nghiệm sư phạm được chia theo các vấn đề, mục tiêu và điều kiện nghiên cứu.

Thực nghiệm sư phạm gồm có: thực nghiệm chọn mẫu, thực nghiệm trong điều kiện tự nhiên và trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra còn có thực nghiệm so sánh trình tự và song song.

Thực nghiệm so sánh trình tự là thực nghiệm đối chiếu, hay thực nghiệm so sánh hiệu quả quá trình giáo dục thể chất sau khi đưa nhân tố mới vào với kết quả trước đó trên cùng một nhóm người tập.

Thực nghiệm so sánh song song là thực nghiệm được tiến hành cùng một lúc trên hai hay nhiều nhóm. Một nhóm được áp dụng nhân tố thực nghiệm mới gọi là nhóm thực nghiệm, còn ở nhóm khác không có gì khác biệt so với lúc tập bình thường gọi là nhóm đối chứng. Các buổi tập thực hiện đồng thời cả hai nhóm song song.

Thực nghiệm sư phạm cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

– Các nhóm thực nghiệm phải như nhau về lứa tuổi, 1 trình độ thể lực, trình độ kĩ thuật, giới tính và một số trình độ khác.

– Thực nghiệm trên số lượng người đủ lớn, để số liệu nhận được có độ tin cậy cao. Khi tính toán, xử lí số liệu phải sử dụng phương pháp thống kê toán học.

– Trong thực nghiệm không nên nghiên cứu đồng thời một số vấn đề gây ảnh hưởng xấu lẫn nhau, hạn chế kết quả nghiên cứu.

– Để kết quả nghiên cứu khách quan, trước khi nghiên cứu nên kiểm tra, xác định trình độ ban đầu của các nhóm. Cuối thực nghiệm, đánh giá và ghi kết quả cuối cùng.

2.6. Phương pháp thống kê toán học

Phương pháp thống kê toán học là một bộ phận của xác suất thống kê, có đối tượng nghiên cứu là việc thu thập, đúc kết các số liệu quan sát, thực nghiệm, phân tích và rút ra kết luận đáng tin cậy.

Phương pháp này giúp đánh giá chất lượng giáo dục, so sánh hiệu quả của các phương pháp giáo dục khác nhau, phân tích các mối quan hệ giữa các hiện tượng giáo dục, phân tích tác động của các nhân tố đối với các hiện tượng giáo dục, loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên, sáng tỏ quy luật của hiện tượng giáo dục.

Một số yêu cầu:

– Nhà nghiên cứu xuất phát từ mục đích xử lí và phân tích số liệu thu được, chỉnh lí số liệu, biểu thị nội dung cơ bản của nó bằng một số chỉ số, vạch rõ mối liên hệ giữa các chỉ số đó.

– Sử dụng các công thức tính toán khác nhau.

– Từ sự khái quát các trường hợp giống nhau rút ra những kết luận có ý nghĩa.

Sử dụng công thức thống kê toán học để xử lí kết quả cho phép xác định độ tin cậy của những kết luận khoa học, có thể phổ biến chúng với những trường hợp tương tự.

Trong quá trình nghiên cứu giáo dục thể chất, ngoài việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu trên người ta còn áp dụng các phương pháp nghiên cứu mang tính đặc thù

2.7. Phương pháp nhân trắc học

Phương pháp nhân trắc học nghiên cứu về hình thái các chủng tộc của loài người. Đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, người ta thường tiến hành đo hai chỉ số sau:

– Chiều cao nằm và đứng.

+ Chiều cao nằm là chiều cao từ đỉnh đầu đến gót chân ở tư thế nằm ngửa.

+ Chiều cao đứng là chiều cao từ mặt đất đến đỉnh đầu. Người được đo ở tư thế đứng nghiêm, đuôi mắt và ống tai ngoài tạo thành một đường thẳng nằm ngang, có ba điểm ở phía sau là gót, mông và bả vai chạm tường. Chiều cao thường có mối tương quan thuận với một số kích thước khác của cơ thể.

– Cân nặng cũng như chiều cao, là một số liệu thường được đo trong tất cả các công tác điều tra cơ bản cũng như thường ngày. Cân nặng gồm hai phần:

+ Phần cố định chiếm 1/3 tổng số cân nặng, bao gồm: xương, da, các tạng và thần kinh.

+ Phần thay đổi chiếm 2/3 tổng số cân nặng, trong đó bao gồm: 3/4 là trọng lượng của cơ thể, 1/4 là mỡ và nước.

Phương pháp này cho phép nghiên cứu sự phát triển thể hình của trẻ và mối liên quan của nó với các nhân tố tác động trong quá trình luyện tập các bài tập thể chất.

2.8.Phương pháp sử dụng bài tập vận động để kiểm tra

Đây là phương pháp nghiên cứu nhờ sử dụng một hệ thống bài tập được tiêu chuẩn hoá về nội dung, hình thức, dùng để kiểm nghiệm sự phù hợp hay không với chương trình giảng dạy, xác định tính thực tiễn và các giá trị khoa học của giáo dục thể chất, đánh giá khả năng khác nhau của những người tập, xác định hiện trạng và mức độ tố chất thể lực.

Các loại bài tập để kiểm tra:

– Các bài tập thử xác định mức độ thể lực chung.

– Các bài tập đánh giá mức độ phát triển thể lực.

– Các bài tập nghiên cứu mức độ kĩ thuật của bài tập.

– Các bài tập đánh giá độ thi đấu ở các lứa tuổi.

– Các bài tập đánh giá trạng thái tâm lí luyện tập, 1 trạng thái sinh lí,…

Tuỳ từng mức độ và tình trạng thực tế của các vấn đề nghiên cứu, nhà nghiên cứu có thể sử dụng loại bài tập cho phù hợp.

Bài tập vận động để kiểm tra được sử dụng thành một phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục thể chất là do đặc điểm tính tổng hợp hệ thống các thao tác kĩ thuật thể dục thể thao, hoạt động vận động và các yếu tố tác động khác.

2.9. Phương pháp kiểm tra y học

Vấn đề đảm bảo sức khoẻ cho người luyện tập thể dục thể thao là rất quan trọng, do đó người ta thường kiểm tra một số chỉ số sinh lí của người tập như: xác định chức năng hô hấp bằng đo nhịp thở, đo điện tim, điện trở da, huyết áp, phản xạ và độ run tay,…

Những phương pháp nghiên cứu khoa học được áp dụng trong giáo dục thể chất mang tính chất độc lập tương đối. Thường là trong một công trình nghiên cứu tồn tại nhiều hướng nghiên cứu và sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó, các phương pháp hỗ trợ nhau, tạo điều kiện phát triển lí luận giáo dục thể chất. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật và các phương pháp nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của khoa học giáo dục thể chất.

This Post Has 3 Comments

  1. binance

    Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?

Trả lời