Đặc Điểm Phát Triển Thể Chất Ở Trẻ Em Lứa Tuổi Mầm Non

Thể chất là chất lượng cơ thể con người có thể vận dụng vào thực hiện một việc nào đó trong học tập, lao động, thể thao…

Phạm trù thể chất thông thường bao gồm bốn mặt sau:

– Tầm vóc cơ thể là trạng thái phát triển về hình thái, cấu trúc cơ thể bao gồm mức độ phát dục sinh trưởng, thể hình và tư thế thân người của con người. Sinh trưởng chủ yếu chỉ quá trình biến đổi của cơ thể từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nặng, từ thấp đến cao, nó phản ánh quá trình biến đổi dần của khối lượng cơ thể, kết quả của phát dục. Phát dục là chỉ quá trình biến đổi không ngừng của tế bào, các cơ quan, sự hoàn thiện dần hình thái và sự thành thục dẫn chức năng của cơ thể, phản ánh quá trình biến đổi phức tạp về chất lượng cơ thể con người. Sinh trưởng và phát dục của cơ thể con người có mối quan hệ chặt chẽ, dựa vào nhau tồn tại, thúc đẩy nhau phát triển. Thể hình bình thường, tư thế đẹp của cơ thể cũng phản ánh một phần mức độ hoàn thiện các chức năng sinh lí của cơ thể.

Năng lực cơ thể là biểu hiện khả năng tham gia vận động thể lực. Nó bao gồm hai mặt: tố chất thể lực và năng lực hoạt động cơ bản của cơ thể. Quá trình phát triển năng lực cơ thể là nhân tố quan trọng thúc đẩy hình thái, cấu trúc, sự nhịp nhàng giữa các chức năng sinh lí của cơ thể phát triển.

Năng lực thích ứng của cơ thể là biểu hiện khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường bên ngoài, trong đó có cả năng lực chống bệnh tật.

– Trạng thái tâm lí là biểu hiện tình cảm, ý chí, cá tính,… của con người. Trạng thái tâm lí tốt là một đảm bảo quan trọng để cơ thể khoẻ mạnh.

Nhân tố ảnh hưởng đến thể chất là di truyền, biến dị, bệnh tật, môi trường, điều kiện dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và hoạt động thể thao.. trong đó hoạt động thể dục thể thao khoa học, thích hợp với trẻ thơ là nhân tố tích cực nhất, có hiệu quả nhất để tăng cường thể chất cho trẻ.

Phát triển thể chất là quá trình thay đổi hình thái và chức năng sinh học của cơ thể con người, là tổng hợp các đặc tính về hình thái của cơ thể, đặc trưng cho quá trình trưởng thành của cơ thể ở mỗi giai đoạn phát triển.

Mục tiêu chăm sóc, giáo dục mầm non là tạo điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức và tình cảm.

Nói đến sự phát triển thể chất ở trẻ em là đề cập đến sự lớn lên của trẻ về mặt hình thể bên ngoài, những thay đổi và hoàn thiện chức năng của các cơ quan tương ứng với từng độ tuổi.

Đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ em dựa vào các chỉ số về hình thái và chức năng sinh học của cơ thể.

– Chỉ số hình thái bao gồm: chiều cao, cân nặng, vòng đầu, mọc răng….

– Chức năng sinh học là biểu thị sự hoạt động của các cơ quan và hệ cơ quan của cơ thể ở trạng thái tĩnh hoặc dưới tác động của lượng vận động. Một số các chỉ số như: nhịp tim, nhịp hô hấp, huyết áp…

Sự phát triển thể chất của trẻ em khác nhau ở các lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, trong cùng một độ tuổi, sự phát triển thể chất diễn ra theo những quy luật nhất định.

Sự phát triển thể chất có liên quan chặt chẽ với các yếu tố di truyền và môi trường sống của trẻ em. Nó có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lĩnh vực phát triển vận động và tinh thần của trẻ.

Trong 6 năm đầu, trẻ em có đặc điểm phát triển mạnh mẽ tất cả các cơ quan và hệ cơ quan của cơ thể. Trẻ em sinh ra được thừa hưởng những đặc điểm sinh vật. Những đặc điểm này là cơ sở cho sự phát triển thể chất và tâm lí ở giai đoạn sau. Những yếu tố quyết định từ những tháng đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ chính là môi trường xung quanh và sự giáo dục.

– Tuổi nhà trẻ: Trẻ em từ 0 đến 3 tuổi: Một trong những chỉ số quan trọng của sự phát triển thể chất là sự tăng cân bình thường. Ngoài ra, cần chú ý đến chỉ số chiều cao, kích thước vòng đầu, mọc răng,… Tình trạng các hệ cơ, hệ xương, hệ thần kinh, các cơ quan nội tạng cũng như sự phát triển tâm lí có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển cân đối của trẻ.

– Tuổi mẫu giáo: Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi: Đây là thời kì thuận lợi để trẻ tiếp thu và củng cố các kĩ năng cần thiết. Trẻ em lứa tuổi này lớn nhanh, cảm thấy như gầy hơn, mất vẻ tròn trĩnh, mập mạp đã có ở tuổi nhà trẻ. Đặc trưng của trẻ em lứa tuổi này là cơ thể phát triển chưa ổn định và khả năng vận động còn hạn chế.

Hình ảnh: Trẻ mầm non

1. Hệ thần kinh

Từ lúc trẻ mới sinh, hệ thần kinh của trẻ chưa được chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các chức năng của mình. Hệ thần kinh thực vật của trẻ phát triển hơn. Sự phát triển của hệ thần kinh ở trẻ mẫu giáo đã ở mức độ cao hơn so với trẻ em lứa tuổi nhà trẻ. Sự trưởng thành của các tế bào thần kinh của đại não kết thúc Tuy nhiên, ở trẻ em, quá trình hưng phấn và ức chế chưa cân bằng, sự hưng phấn mạnh hơn sự ức chế. Do đó, phải đối xử thận trọng với trẻ, tránh để trẻ phải thực hiện một khối lượng vận động quá sức hoặc kéo dài thời gian vận động sẽ làm trẻ mệt mỏi. Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, quá trình ức chế tích cực dần dần phát triển. Trẻ đã có khả năng phân tích, đánh giá, hình thành kĩ năng, kĩ xảo vận động và phân biệt được các hiện tượng xung quanh.

Hệ thần kinh có tác dụng chi phối và điều tiết đối với vận động cơ thể, vì vậy hoạt động vận động của trẻ có hai tác dụng: thúc đẩy sự phát triển công năng của tổ chức cơ bắp và thúc đẩy sự phát triển công năng của hệ thần kinh. Vận động cơ thể của trẻ có thể cải thiện tính không cân bằng của quá trình thần kinh ở chúng. Song cần chú ý tới sự luân phiên giữa động và tĩnh trong quá trình vận động của trẻ.

2. Hệ vận động

Bao gồm hệ xương, hệ cơ và khớp.

Bất cứ hoạt động nào của cơ thể được hoàn thành đều thông qua hệ vận động.

Hệ xương của trẻ chưa hoàn thành cốt hoá, thành phần hoá học xương của trẻ có chứa nhiều nước và chất hữu cơ hơn chất vô cơ so với người lớn, nên có nhiều sụn xương, xương mềm, dễ bị cong, gãy.

Vận động cơ thể hợp lí có thể làm cho hình thái cấu trúc xương của trẻ em có chuyển biến tốt như: thành xương dày lên, đường kính to ra, tăng được công năng chống đỡ áp lực, chống cong vẹo, chống gãy xương,…..

Hệ cơ của trẻ em phát triển yếu, tổ chức cơ bắp còn ít, các sợi cơ nhỏ, mảnh, thành phần nước trong cơ tương đối nhiều, nên sức mạnh cơ bắp còn yếu, cơ nhanh mệt mỏi. Do đó, trẻ ở lứa tuổi này không thích hợp với sự căng thẳng lâu của cơ bắp, cần xen kẽ giữa vận động và nghỉ ngơi thích hợp trong thời gian luyện tập.

Khi trẻ được thường xuyên tham gia vận động thể lực hợp lí sẽ tăng cường hiệu quả công năng các tổ chức cơ bắp, làm cho sức mạnh và sức bền của cơ bắp phát triển.

Trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường cũng như gia đình, người lớn cần chú ý tới tư thế thân người của trẻ, không nên cho trẻ ngồi và đứng qua sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến độ cong sinh lí của cột sống, dễ bị gỗ hoặc vẹo cột sống,…

Khớp của trẻ có đặc điểm là ổ khớp còn nông, cơ bắp xung quanh khớp còn mềm yếu, dây chằng lỏng lẻo, tính vững chắc của khớp tương đối kém. Hoạt động vận động phù hợp với lứa tuổi của trẻ sẽ giúp khớp được rèn luyện, từ đó tăng dần tính vững chắc của khớp.

Để hệ vận động của trẻ thực hiện tốt chức năng vận động, cần phải thường xuyên cho trẻ luyện tập hợp lí, vừa sức và chú ý đến tư thế thân người đúng của trẻ trong đời sống hàng ngày.

3. Hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn là một hệ thống đường ống khép kín do tim và mạch cấu tạo thành, còn gọi là hệ tim mạch. Vận động của tim chủ yếu dựa vào sự co bóp của cơ tim. Sức co bóp cơ tim của trẻ còn yếu, mỗi lần co bóp chỉ chuyển đi được một lượng máu rất ít, nhưng mạch đập nhanh hơn ở người lớn. Trẻ càng nhỏ tuổi thì tần số mạch đập càng nhanh. Điều hoà thần kinh tim ở trẻ còn chưa hoàn thiện, nên nhịp co bóp dễ mất ổn định, cơ tim dễ hưng phấn và chóng mệt mỏi khi tham gia vận động kéo dài. Nhưng khi thay đổi hoạt động, tim của trẻ em nhanh hồi phục.

Hình ảnh: Hệ tuần hoàn

Các mạch máu của trẻ rộng hơn so với người lớn, do đó áp lực của máu yếu. Cần củng cố các cơ tim cũng như các thành mạch, làm cho nhịp điệu co bóp của tim tốt hơn và phát triển khả năng thích ứng với sự thay đổi lượng vận động đột ngột.

Để tăng cường công năng của tim, khi cho trẻ luyện tập, nên đa dạng hoá các dạng bài tập, nâng dần lượng vận động cũng như cường độ vận động, phối hợp động và tĩnh một cách nhịp nhàng.

4. Hệ hô hấp

Hệ hô hấp được cấu thành bởi đường hô hấp gồm mũi, mồm, họng, khí quản, nhánh phế quản và phổi.

Hình ảnh: Hệ hô hấp

Đường hô hấp của trẻ em tương đối hẹp, niêm mạc đường hô hấp mềm mại, mao mạch phong phú, dễ phát sinh nhiễm cảm. Khí quản của trẻ em nhỏ, không khí đưa vào ít, trẻ thở nông nên khả năng trao đổi không khí của phổi kém. Thở nông làm cho thông khí phổi chưa ổn định, tạo nên sự ứ đọng không khí ở phổi, do đó nên tiến hành thể dục ở ngoài trời, nơi không khí thoáng mát.

Khi vận động, cơ thể trẻ đòi hỏi lượng trao đổi khí tăng lên rõ rệt, điều này thúc đẩy các tế bào phổi tham gia vào vận động hô hấp tăng lên, nâng cao tính đàn hồi của thành phổi, cơ hô hấp mạnh dần lên, tăng lượng thông khí phổi và dung tích sống.

Bộ máy hô hấp của trẻ còn nhỏ, không chịu đựng được những vận động quá sức kéo dài liên tục, sẽ làm cho các cơ đang vận động bị thiếu ôxi cần thiết. Vì vậy, việc thở đúng và sâu của trẻ khi tập luyện là rất quan trọng.

5. Hệ trao đổi chất

Cơ thể trẻ đang phát triển đòi hỏi bổ sung liên tục năng lượng tiêu hao và cung cấp các chất tạo hình để kiến tạo các cơ quan và mô. Quá trình hấp thụ các chất ở trẻ vượt cao hơn quá trình phân huỷ và đốt cháy. Tuổi càng nhỏ thì quá trình lớn lên và sự hình thành các tế bào và mô của trẻ diễn ra càng mạnh. Khác với người lớn, ở trẻ em năng lượng tiêu hao cho sự lớn lên và dự trữ chất nhiều hơn là cho hoạt động cơ bắp. Do vậy, khi trẻ hoạt động vận động quá mức, ngay cả khi dinh dưỡng đầy đủ, thường dẫn đến tiêu hao năng lượng dự trữ trong các cơ bắp và đọng lại những sản phẩm độc hại ở các cơ quan trong quá trình trao đổi chất. Điều này gây cảm giác mệt mỏi cho trẻ và ảnh hưởng không tốt đến công năng hoạt động của cơ bắp và hệ thần kinh, làm giảm độ nhạy cảm giữa hệ thần kinh trung ương và những dây thần kinh điều khiển sự hoạt động cơ bắp. Sự mệt mỏi nhạy cảm giữa hệ thần kinh trung ương và những dây thần kinh điều khiển sự hoạt động cơ của các nhóm cơ riêng lẻ xuất hiện nếu kéo dài hoạt động liên tục của từng nhóm cơ. Do đó, cần thường xuyên thay đổi vận động của các nhóm cơ, chọn hình thức vận động phù hợp với trẻ.

Qua phân tích trên, ta thấy các hệ cơ quan của cơ thể mặc dù đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau và có các chức năng khác nhau nhưng chúng có ảnh hưởng lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với nhau làm thành một thể thống nhất để tồn tại.

Cơ thể vận động dưới sự chi phối và điều tiết của hệ thần kinh, dựa vào sự hợp tác chung của cơ bắp, khớp, dây chằng để thực hiện. Song hoạt động của cơ bắp đòi hỏi được cung cấp năng lượng dựa vào sự hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng của hệ tiêu hoá.

Vận động cơ bắp không thể tách rời ôxi dựa vào hệ hô hấp. Nhưng sự vận chuyển chất dinh dưỡng, ôxi và các chất phế thải lại cần có sự làm việc của hệ tuần hoàn.

Vận động cơ thể đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể mới có thể thực hiện được, đồng thời có tác dụng rèn luyện và thúc đẩy cơ thể phát triển.

Việc thực hiện chế độ vận động hợp lí cho trẻ em sẽ giúp quá trình phát triển cơ thể của trẻ tốt hơn, ngược lại sẽ có hại cho sức khoẻ của trẻ.

This Post Has 5 Comments

  1. Phuong

    Phương pháp nghiên cứu lý luận rất hay, đầy tính khoa học

  2. Hi there, just became alert to your blog through Google, and found that it is truly informative. I’m going to watch out for brussels. I’ll appreciate if you continue this in future. Many people will be benefited from your writing. Cheers!

  3. I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.

  4. Your point of view caught my eye and was very interesting. Thanks. I have a question for you.

  5. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

Trả lời