Ngôn Ngữ Là Một Hệ Thống Tín Hiệu Đặc Biệt

1. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu

Nói đến hệ thống là nói đến một thể thống nhất gồm nhiều yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau. Ngôn ngữ là một hệ thống bởi vì nó cũng bao gồm các yếu tố (đơn vị: âm vị, hình vị, từ, câu và các đơn vị trên câu) và các quan hệ giữa những yếu tố đó (quan hệ tuyến tính – ngang và quan hệ liên tưởng – dọc). Ta hiểu khái niệm “tín hiệu” là một sự vật (hoặc một thuộc tính vật chất, một hiện tượng) kích thích vào giác quan của con người, làm cho con người tri giác được và lý giải, suy diễn tới một cái gì đó ngoài sự vật đó (đại diện cho một cái gì đó không phải là chính nó). Tín hiệu có tính hai mặt: mặt biểu hiện vật chất và mặt được biểu hiện. Ví dụ: đèn giao thông: đèn đỏ là một trong những tín hiệu của đèn giao thông, nhưng tách ra, đưa nó vào chùm đèn trang trí thì lại không phải là tín hiệu nữa. Phải nằm trong hệ thống nó mới có tư cách tín hiệu, nhờ sự đối lập quy ước giữa đèn vàng, xanh.

Tín hiệu có các đặc điểm sau: Trước hết, tín hiệu phải có mặt vật chất. Là âm thanh hay nét vẽ. Hai là tín hiệu phải gọi ra hoặc biểu thị cho một cái gì khác với chính nó. Hay nói khác đi phải có một ý nghĩa nào đó. Thí dụ, tiếng chuông hoặc tiếng trống trong trường biểu thị hiệu lệnh vào, ra, tạm nghỉ hoặc kết thúc giờ học; đèn xanh biểu thị hiệu lệnh tiếp tục chạy, đèn đỏ biểu thị hiệu lệnh dừng lại… Kí hiệu phải được các chủ thể tiếp nhận và lí giải được. Muốn thế mối quan hệ giữa vỏ vật chất của kí hiệu (hay cái biểu hiện) và nội dung của kí hiệu (cái được biểu hiện) phải dựa trên sự quy ước có ý thức của con người hoặc xã hội. Tín hiệu bao giờ cũng phải nằm trong một hệ thống nhất định và có những đặc điểm khác biệt với các yếu tố khác cùng hệ thống. Nó sẽ không còn là kí hiệu khi tách rời khỏi hệ thống. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu vì ngôn ngữ được cảm nhận bằng giác quan hay nói cách khác ngôn ngữ có tính vật chất.: Âm thanh chính là hình thức vật chất của ngôn ngữ. Ngôn ngữ đã gọi ra và đại diện cho cái khác với chính nó: ngôn ngữ bao giờ cũng chứa đựng một nội dung một ý nghĩa nhất định. Ví dụ: các âm vị: a, b, c, …có giá trị khu biệt ý nghĩa, các đơn vị ngôn ngữ bậc cao (từ, câu, văn bản.) có muôn vàn ý nghĩa khác nhau. Ngôn ngữ được mọi thành viên trong cộng đồng sử dụng và lý giải: nghĩa là ngôn ngữ là cái có thể nhận thức và lĩnh hội được

Các tín hiệu ngôn ngữ chỉ có giá trị khi nằm trong hệ thống, trong mối quan hệ với yếu tố khác của hệ thống. Tách ra khỏi hệ thống, các tín hiệu ngôn ngữ sẽ mất hết giá trị của mình. Các kí hiệu ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng thuộc một hệ thống nhất định. Các từ đều thuộc hệ thống từ vựng, các quy tắc ngữ pháp hợp lại thành một hệ thống ngữ pháp. Chúng chi phối, quy định nhau và làm nên giá trị cho từng kí hiệu. Mỗi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu khác nhau. Và các kí hiệu ấy chỉ có giá trị trong một hệ thống ngôn ngữ nhất định. Thoát khỏi hệ thống, các từ ngữ trở nên vô nghĩa.

Hình ảnh: Bản chất tín hiệu của ngôn ngữ

2. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt

Biểu hiện cả ở cấp độ từng kí hiệu lẫn cấp độ toàn hệ thống. Trước hết, hệ thống tín hiệu ngôn ngữ có phạm vi sử dụng vô cùng to lớn. Mỗi hệ thống ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong một cộng đồng hoặc thậm chí nhiều cộng đồng như tiếng Anh chẳng hạn (vì tính phổ thông của nó so với các bức tranh, bản nhạc…). Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu phức tạp, bao gồm các yếu tố đồng loại và không đồng loại, với số lượng không xác định. Các hệ thống tín hiệu nhân tạo như đèn giao thông, biển chỉ đường, quân hiệu, quân hàm… chỉ bao gồm một số lượng hạn định các yếu tố đồng loại. Ngôn ngữ lại có nhiều đơn vị: âm vị, hình vị, từ câu… và các đơn vị này không đồng loại với nhau, khác nhau về cấp độ, mỗi đơn vị lại xác lập một hệ thống con trong lòng hệ thống ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là tín hiệu của những tín hiệu. Ta có thể sử dụng ngôn ngữ để giải thích các tín hiệu phi ngôn ngữ (thuyết minh cho tranh ảnh, âm nhạc… Mặt khác, tín hiệu ngôn ngữ hàm chứa nhiều mối quan hệ hơn mọi loại tín hiệu khác: Tính đa trị của tín hiệu ngôn ngữ: Các tín hiệu khác thường chỉ có một quan hệ: hoặc âm – nghĩa, hoặc hình – nghĩa, màu – nghĩa… Trong khi mỗi tín hiệu ngôn ngữ ngoài mối quan hệ âm – nghĩa như mọi tín hiệu thông thường lại còn có nhiều mối quan hệ khác: Phức thể âm – nghĩa, đến lượt nó. lại có thể có một nghĩa mới, rồi phức thể thứ ba này (âm, nghĩa + nghĩa) lại có thể có quan hệ với một nghĩa mới khác nữa. Như vậy trong ngôn ngữ xảy ra hiện tượng một cái biểu hiện có thể có nhiều cái được biểu hiện (từ nhiều nghĩa, từ đồng âm…) hoặc nhiều cái biểu hiện có thể có một cái được biểu hiện (từ đồng nghĩa…). Và ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp và tư duy mà còn là phương tiện biểu hiện tình cảm. Ngoài nội dung khái niệm, mỗi tín hiệu ngôn ngữ còn thể hiện các sắc thái tình cảm của con người nữa.

Tín hiệu ngôn ngữ còn có tính độc lập tương đối. Các hệ thống tín hiệu nhân tạo khác thường được sáng tạo ra theo sự thoả thuận giữa một số cá nhân, do đó hoàn toàn có thể thay đổi theo ý muốn con người. Ngược lại, ngôn ngữ có tính xã hội, có quy luật phát triển nội tại của mình, không lệ thuộc vào ý muốn của cá nhân.

Ngôn ngữ vừa có giá trị đồng đại vừa có giá trị lịch đại. Các hệ thống tín hiệu khác chỉ có giá trị đồng đại, tức là chỉ phục vụ một nhu cầu nào đó của con người trong một giai đoạn nhất định. Trong khi đó bất cứ sản phẩm ngôn ngữ nào cũng là của quá khứ để lại, do đó không chỉ có những người cùng thời mới có thể giao tiếp được với nhau mà ở thời đại khác nhau con người vẫn có thể giao tiếp được.

Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu có khả năng sản sinh rất lớn. Từ những số lượng hạn chế những đơn vị cơ bản, ngôn ngữ có thể tạo ra vô hạn những lời nói trong xã hội. Khả năng này không một hệ thống tín hiệu nào có thể so sánh được.

This Post Has 2 Comments

  1. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

  2. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

Trả lời