Định Hướng- Hình Thức- Chuẩn Bị- Tiến Hành Cho Trẻ

1. Hướng Lựa Chọn Bài Hát, Bản Nhạc Cho Trẻ Nghe

Hiệu quả của việc thực hiện một chương trình bất kì và những chỉ dẫn về phương pháp phụ thuộc vào chính âm nhạc, chất lượng nghệ thuật và sự tương xứng của âm nhạc với nhu cầu lứa tuổi của việc dạy học và giáo dục phát triển. Tác phẩm âm nhạc cho trẻ nghe chiếm một vị trí đặc biệt trong việc hình thành văn hóa âm nhạc chung.

Cần tuyển chọn tác phẩm chứa đựng tính nhân đạo, đi sâu vào thế giới tình cảm của trẻ, có hình ảnh vừa sức (phù hợp) với trẻ em. Khó có thể quy định được một cách đầy đủ trong chương trình tất cả những bài hát hoàn toàn sát hợp với mọi miền đất nước. Trẻ em lại ham thích điều mới lạ, vì vậy chọn thêm bài hát cho các cháu nghe là điều đáng khuyến khích.

So với việc chọn bài để dạy các cháu hát thì bài chọn cho các cháu nghe có phạm vi rộng rãi hơn. Khi nghe đàn hoặc một bài hát nào đó, trẻ thường quan tâm trước hết là bài hát kể về điều gì và mức độ phát triển nhạc cảm, hiệu quả tri giác, trí nhớ âm nhạc dựa vào sự phù hợp của bài hát với sở thích và năng lực cảm thụ của trẻ. Vì vậy, trừ nhạc không lời, những bài hát cho trẻ nghe cần có nội dung phản ánh những vấn đề mà trẻ quan tâm và có thể hiểu được. Về nghệ thuật cần đạt chất lượng cao, trong đó phương tiện diễn tả âm nhạc không bị hạn chế bởi khả năng biểu diễn của trẻ (tốc độ, âm vực).

Trẻ cần được nghe, tiếp xúc với những bài hát về lãnh tụ, quân đội, Tổ quốc… để giáo dục lòng yêu nước ; những bài hát nói về thế giới thực vật xung quanh trẻ làm tăng sự hiểu biết ; những làn điệu hát ru dân gian hoặc những ấn tượng âm nhạc đầu tiên, âm điệu của người thân, ruột thịt. Căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi, có thể phân biệt như sau :

Trẻ 0 – 36 tháng tuổi nên chọn cho các cháu nghe các bài hát về người thân, các bài hát ru, bài hát mẫu giáo.

Trẻ 3 – 4 tuổi chọn các bài hát ngộ nghĩnh về động vật, các bài nói về hiện tượng thiên nhiên, các bài dân ca quen thuộc, các bài hát thiếu nhi, một số bản nhạc mang tính chất nhảy múa tạo phản ứng vận động nhịp điệu.

Trẻ 4 – 5 tuổi : Chọn các bài có nội dung như trên nhưng thể hiện sắc thái tình cảm phong phú hơn như tính chất vui nhộn, tính chất hài hước trong các sáng tác mới cũng như dân ca, tính chất trữ tình trong hát ru.

Trẻ 5 – 6 tuổi thích quan tâm đến các sự kiện nên cần tuyển chọn các bài có chủ đề về quê hương đất nước, chủ để sinh hoạt lao động, tính đoàn kết giữa trẻ em các dân tộc, các bài đồng dao có hình ảnh với sự lặp lại của ngữ điệu, tiết tấu rõ ràng giúp trẻ dễ dàng dựng thành kịch, chuyển thể các chi tiết khác nhau của động tác.

Hình ảnh: Bài hát quê hương tươi đẹp

Tương tự như lựa chọn các bài dạy trẻ hát, chọn các bài hát cho trẻ nghe phải dựa theo các chủ đề giáo dục : gia đình, bản thân, thế giới động vật… cho phù hợp với định hướng đổi mới hiện nay.

Ngoài ra, nên cho trẻ tiếp xúc với các tác phẩm âm nhạc cổ điển trong và ngoài nước điển hình vì có tác dụng giáo dục rất tốt. Trẻ không chỉ làm quen với âm sắc nhạc cụ mà còn cảm nhận được những tính chất tiêu biểu của các âm hình tiết tấu hay các giai điệu có sự đặc tả về các hình tượng, nhân vật, ý nghĩa đạo đức giữa cái thiện với cái ác. Để phù hợp với sự tập trung, chú ý và nhận thức của trẻ, cần tuyển chọn các bản nhạc không lời ngắn gọn, điển hình trong và ngoài nước (những bản nhạc có tiêu đề dành cho trẻ em). Những bản nhạc có tiêu đề dễ gợi ý cho giáo viên giảng giải tính chất âm nhạc cho trẻ nghe.

Nhìn chung, các tác phẩm nghe phải phong phú, không bó hẹp trong chương trình quy định. Tính chất chung là vui vẻ, sinh động, mang sức sống. Riêng các bài dân ca ở mức độ hoàn thiện thường mang tính chất giao duyên, vì vậy cần lựa chọn lời ca cho phù hợp với trẻ.

2. Phương pháp hướng dẫn trẻ nghe nhạc

Mục đích cho trẻ nghe nhạc nhằm bồi dưỡng cho trẻ năng lực cảm thụ âm nhạc thông qua các bài hát, bản nhạc được nghe. Ngoài ra, trong các hoạt động giáo dục âm nhạc, việc tập cho trẻ nghe giữ vai trò quan trọng, là cơ sở để trẻ tập hát – vận động, múa theo nhạc và tham gia chơi trò chơi âm nhạc.

Phương pháp chủ yếu là biểu diễn truyền cảm các tác phẩm, đàm thoại diễn giải và trực quan đưa trẻ hướng tới sự phát triển hình tượng – âm nhạc. Trực quan nói chung không nhất thiết đòi hỏi trí giác bằng mắt sự vật thực mà phụ thuộc vào những thông tin bổ sung.

Ví dụ : Khi kể cho trẻ nghe về nội dung tác phẩm, giáo viên chỉ ra mối liên quan giữa âm thanh với các hiện tượng cuộc sống phản ánh trong đó. Nội dung âm nhạc sẽ được trẻ tiếp thu tốt nếu như giáo viên tuyển chọn kể cho trẻ nghe các câu chuyện có hình ảnh, truyện cổ tích, đọc thơ… có liên uan đến nội dung âm nhạc. Ngoài ra, có thể kết hợp trực quan thị giác minh hoạ bằng đạo cụ, trang trí, động tác.

Trong lần làm quen đầu tiên, cần cho trẻ tri giác toàn vẹn, nhận biết tính rất chung của tác phẩm, sau đó phân biệt một cách đơn giản phương tiện diễn tả âm nhạc (tốc độ, cường độ, âm sắc…). Khi đã nhận biết vai trò truyền cảm của các phương tiện diễn tả riêng trong mối liên quan với sự phát triển “hình tượng âm nhạc thì cho trẻ tri giác toàn vẹn trở lại (cuối tiết học).

Nghe trực tiếp

Trẻ được nghe cô đàn hát trực tiếp sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, lôi cuốn nhất. Khi nghe trực tiếp, trẻ được quan sát cách thể hiện sinh động của có, trẻ rất thích được “xem” cô hát. Vì vậy, khi hát cho các cháu nghe, cô giáo chú ý sắp xếp để cho tất cả các cháu được trông rõ cô, “xem cô hát” với các phương tiện trực quan. Nghe trực tiếp là phương pháp trực quan truyền cảm đòi hỏi giáo viên cần phải hát thật chính xác, tự nhiên, diễn cảm, thể hiện đúng phong cách tác phẩm.

Nghe qua phương tiện

Trẻ được nghe giáo viên đàn giai điệu bài hát, hoặc nghe đài, băng cát xét, tivi, đĩa hình… Nghe qua phương tiện sẽ mở rộng phạm vi trực quan cho trẻ: trẻ làm quen với lối trình diễn dàn dựng công phu, hài hoà giữa hát và nhạc, âm sắc các nhạc cụ và các cách hoà tấu. Khi nghe qua phương tiện, giáo viên nên kết hợp cho trẻ xem tranh, các con rối, động tác múa minh hoạ nội dung âm nhạc. Biện pháp này giúp trẻ tích luỹ các ấn tượng âm nhạc, dễ dàng ghi nhớ tác phẩm.

3. Các hình thức tổ chức nghe

Để việc cho trẻ nghe nhạc đạt hiệu quả cao, cần giáo dục cho trẻ nghe có hệ thống, liên tục, có mục dích.

a. Nghe trong các thời điểm khác nhau

Tổ chức nghe trong các thời điểm đón trẻ, giờ chơi, giờ học, giờ nghỉ, giờ trả trẻ… với nội dung nghe phù hợp các thời điểm.

b. Nghe trong giờ âm nhạc

Nghe kết hợp được hiểu là loại tiết học âm nhạc có hát hoặc vận động là trọng tâm. Nghe ở đây mang tính chất củng cố bài đã được nghe, hoặc giới thiệu bài sắp nghe. Với bài đã nghe, tập cho trẻ nhận biết qua sự diễn tấu của nhạc cụ, trao đổi kĩ hơn nội dung âm nhạc. Cũng có thể cho trẻ nghe tiết tấu để đoán nhận bài đã nghe.

– Nghe là tiết trọng tâm : nghe tác phẩm âm nhạc đòi hỏi tính tích cực của trẻ về sự chú ý thính giác và tri giác, suy nghĩ và tưởng tượng, gợi lên ở trẻ sự đồng cảm với hình tượng nghệ thuật, sự phản ánh các ấn tượng thu được vào trong lời nói.

Tuy nhiên, khả năng nghe của trẻ theo nhóm tuổi khác nhau. Đối với trẻ được 1 tuổi, cần tạo cho trẻ có phản ứng cảm xúc với lời ca của bài hát trong quá trình cô giáo hát và giao lưu cảm xúc với trẻ.

Với trẻ 24 – 36 tháng (2 – 3 tuổi) : Cần tạo cho trẻ hứng thú nghe nhạc, có thể hưởng ứng bằng động tác, hát bập bẹ theo khi nghe giáo viên hát.

Đối với các lớp mẫu giáo, cần tổ chức hình thức nghe – “xem” hát phong phú, giúp trẻ khắc sâu ấn tượng, nội dung phong cách âm nhạc bằng diễn xuất trực tiếp, các đạo cụ, hoá trang, phương tiện.

– Cô hát cùng đàn đệm (ghi-ta hoặc dàn phím điện tử), hoặc phần đệm được làm sẵn trong đĩa mềm.

– Đàn giai điệu bằng nhạc cụ (ghi-ta, sáo, đàn phím điện tử…). Nếu dùng đàn phím điện tử nên chuyển voice, style, thay đổi cách diễn tấu để tạo màu sắc âm thanh phong phú.

– Giáo viên vừa hát vừa tự đệm đàn.

– Làm động tác, múa minh hoạ theo băng cát-xét, đĩa tiếng hoặc theo bộ nhớ của dàn phím điện tử. Có thể mời trẻ cùng tham gia phụ hoạ.

– Cho trẻ xem băng, đĩa hình các hình thức diễn tấu khác nhau.

4. Chuẩn bị cho hoạt động nghe nhạc

Hiệu quả của hoạt động nghe nhạc phụ thuộc vào sự chuẩn bị của giáo viên như lựa chọn phương pháp giới thiệu, trình diễn phù hợp. Giáo viên cần phải :

– Bổ sung các trích đoạn hoặc tác phẩm âm nhạc không lời. Gợi mở cảm xúc cho trẻ nghe.

– Nắm được tính chất, phong cách chung của bài hát, từ đó xác định sắc thái, tình cảm, đặc điểm lời ca, giai điệu.

– Học thuộc bài hát xác định âm vực giọng hát phù hợp với cụ thể mỗi giáo viên, tập hát nhuần nhuyễn kết hợp nét mặt, điệu bộ phù hợp.

– Nếu sử dụng nhạc cụ phải phối hợp tốt với phần nhạc, thu vào bộ nhớ, tìm âm sắc (voice) thích hợp.

– Xác định yêu cầu đối với tiết học và đặc điểm của từng đối tượng trẻ.

– Chuẩn bị hóa trang, đạo cụ của cô và trẻ phù hợp với nội dung tác phẩm.

5. Các bước tiến hành

Bước 1 : Giới thiệu trước khi cho trẻ nghe

Khi bắt đầu tiến hành cho trẻ nghe nhạc, giáo viên cần giới thiệu bằng ngôn ngữ trong sáng, súc tích, sinh động, hấp dẫn về hình tượng âm nhạc, tên tác phẩm, tác giả, cần thiết dựa vào lời ca, sự biểu cảm hoặc vận động để khơi trí tưởng tượng của trẻ.

Ví dụ : Hát cho trẻ nghe bài Những đám mây sẽ kể, cô giới thiệu : Thiên nhiên trong cuộc sống của chúng ta rất tươi đẹp và thú vị : các con hãy lắng nghe bài hát sau đây của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng xem “những đám mây, dòng sông. mùa xuân…” kể về điều gì nhé!

Nếu có điều kiện sử dụng trang thiết bị, giáo viên dùng powerpoint trình chiếu những hình ảnh có liên quan đến nội dung tác phẩm sắp nghe. Ví dụ : Bài “Ước mơ xanh”, sáng tác : Minh Nghĩa, lời ca giới thiệu những người giáo viên, bác sĩ, phi công, bộ đội, công nhân. Kết hợp đàm thoại về một số nghề nghiệp phổ biến, giáo viên trình chiếu cho trẻ xem những hình ảnh liên quan đến con người, công việc để hướng sự chú ý của trẻ tới nội dung tác phẩm sắp được nghe.

Có thể dạo đàn nét giai điệu bài hát hoặc âm sắc của âm thanh trong đàn có liên quan đến nội dung bài hát (tiếng chim hót, mèo kêu, tiếng còi tàu, còi ôtô, tiếng sóng biển…) để làm tăng thêm sự chú ý của trẻ.

Hoặc tuỳ tình huống có thể nói ngắn gọn trong phạm vi một vài câu : “Nào, bây giờ có sẽ hát tặng cho các con nghe một bài nhé!”.

Hay : “Các con hãy lắng nghe xem bài hát cô hát nói về cái gì nào!”

Hoặc : “Các con hãy nghe cô hát và thử đặt tên cho bài hát này nhé! “

Phần giới thiệu cần ngắn gọn, lựa chọn sắc thái lời nói để thu hút trẻ, gợi nhu cầu muốn nghe ở trẻ, làm cho trẻ chuyển từ trạng thái của một dạng hoạt động trước đó sang hoạt động nghe nhạc. Nếu hoạt động trước đó là trầm lắng thì lời nói để thu hút trẻ phải vang rõ, sôi nổi. Nếu hoạt động trước đó là sôi nổi thì lời nói phải âu yếm, nhẹ nhàng.

Giáo viên không nên giới thiệu quá dài dòng, đọc trước lời ca, phân tích vào nội dung chủ đề, hoặc đọc cả bài thơ dài mang để tài tương tự. Bởi vì nghe hát cần cảm thụ hình tượng âm nhạc qua sự hoà hợp của âm nhạc với lời ca, từ đó hình thành ở trẻ những ấn tượng âm nhạc. Giáo viên cần phải linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở tôn trọng và khai thác những đặc điểm tính tế của tác phẩm nghệ thuật.

Bước 2 : Hát cho trẻ nghe (hoặc nghe nhạc không lời)

Hình ảnh: Cô giáo hát

Cô hát – trẻ nghe là hai hoạt động ứng đổi trực tiếp qua lại lẫn nhau. Giáo viên cần hát diễn cảm và những gì liên quan đến trình diễn trước trẻ như diễn đạt cảm xúc, sự trang trọng hay âu yếm. Bằng hoạt động trực tiếp sáng tạo, cô biểu hiện một cách sống động nội dung bài hát, có thể thêm hóa trang, động tác phù hợp với hình tượng âm nhạc để tác động mạnh mẽ đến xúc cảm và nhận thức thẩm mĩ của trẻ. Đây là phương pháp trình diễn nghệ thuật, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của giáo viên.

Cần tập cho trẻ biểu lộ cảm xúc khi nghe:

– Hào hứng, chăm chú lắng nghe.

– Bộc lộ cảm xúc qua động tác, nét mặt.

– Vỗ tay cảm ơn sau khi nghe.

Nếu sử dụng được nhạc cụ thì giáo viên vừa đàn vừa hát. Cần phải hát nhiều lần với các sắc thái diễn tả (mạnh – nhẹ, to – nhỏ nhanh – chậm, luyến – ngắt… ). Tổ chức cho trẻ nghe nhạc không lời, dân ca chuyển thể cho nhạc cụ diễn tấu là nội dung cần được bổ sung trong chương trình để giúp trẻ nâng cao thẩm mĩ âm nhạc. Trước khi nghe thể loại âm nhạc này, giáo viên căn cứ vào tính chất âm nhạc (êm dịu, mạnh mẽ…); màu sắc âm thanh các nhạc cụ ; đặc điểm dân ca để giúp trẻ dễ dàng cảm thụ âm nhạc.

Có thể cho trẻ nghe tác phẩm qua băng nhạc hoặc diễn tấu bằng nhạc cụ. Nếu cho trẻ nghe nhạc không lời, giáo viên có thể kết hợp dùng đồ chơi. thú bông, con rối.. minh hoạ theo nhịp điệu âm nhạc để trẻ vừa nghe vừa nhìn một cách hấp dẫn.

Khi cho trẻ nghe nhạc, giáo viên không nên nhắc nhở, ra lệnh… làm gián đoạn quá trình cảm thụ âm nhạc, làm giảm sự chú ý tri giác của trẻ tới tác phẩm.

Bước 3. Củng cố ấn tượng, ghi nhớ tác phẩm

Để khắc sâu cảm xúc với tác phẩm âm nhạc, ngoài sự thay đổi hình thức biểu diễn, giáo viên cần trò chuyện với trẻ về tác phẩm : tính chất giai điệu, tiết tấu, lời ca… Tuỳ theo độ tuổi của trẻ mà giáo viên có thể đặt câu hỏi, gợi mở để trẻ so sánh hay đưa ra các nhận xét, nếu với trẻ ở nhóm 5 – 6 tuổi, giáo viên nên yêu cầu và khuyến khích các cháu biểu hiện cảm xúc thông qua điệu bộ, hành động hoặc nhịp điệu âm nhạc để kích tư duy độc lập, sáng tạo cho trẻ.

Sau khi cho trẻ nghe, giáo viên hỏi trẻ tên bài hát, tên tác giả. Cũng có thể cho trẻ tự đặt tên bài hát. Hỏi trẻ về tính chất âm nhạc êm dịu hay sôi nổi, vui ve hay êm ái… Cô có thể hát lại để trẻ nghe, kiểm nhận lại và khắc sâu thêm. Nếu nghe nhạc là trọng tâm của hoạt động giáo dục âm nhạc, sau khi hát khoảng 2 – 3 lần, tùy theo độ tuổi của trẻ và mức độ khó của tác phẩm âm nhạc mà giáo viên đưa ra những yêu cầu và khuyến khích trẻ tích cực hoạt động theo nhóm và đặc biệt là cá nhân. Hoạt động nghe nhạc sau căn cứ vào kết quả của hoạt động nghe trước để hát tập cho trẻ làm quen với các yếu tố biểu hiện cơ bản của âm nhạc như gõ phách, nhịp, làm điệu bộ, cử chỉ phù hợp với sắc thái tình cảm của câu hát.

Như vậy, với từng tác phẩm khác nhau, nội dung hình thức nghe nhạc trong từng hoạt động khác nhau. Cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp cho phù hợp với đối tượng trẻ và yêu cầu đặt ra.

This Post Has 3 Comments

  1. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

  2. binance

    Your article helped me a lot, is there any more related content? Thanks!

  3. 註冊

    I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.

Trả lời