Phương Pháp Tổ Chức Hoạt Động Âm Nhạc Trong Trường Mầm Non

1. Phương pháp trực quan thính giác qua trình bày tác phẩm

Đây là phương pháp đặc thù trong thưởng thức và giáo dục âm nhạc bởi vì âm nhạc chỉ có thể gợi cảm xúc tới người nghe khi được trình diễn. việc tổ chức cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc nhằm mục đích gợi lên những tâm trạng, cảm xúc, tình cảm đa dạng, gần gũi trẻ giúp trẻ có sự liên tưởng. Tác phẩm hay rất quan trọng, đồng thời cũng cần người trình bày tốt mới truyền cảm tới người nghe.

Giáo viên tuy không phải là nghệ sĩ biểu diễn nhưng tiếng đàn, giọng hát chuẩn xác, diễn cảm kết hợp động tác, điệu bộ phù hợp với trẻ mang đến cho trẻ niềm vui sướng, thán phục. Giáo viên nghiên cứu, tìm tòi cách thể hiện sáng tạo, trình bày tác phẩm dưới các hình thức khác nhau để thu hút sự tập trung, chú ý của trẻ, lôi cuốn trẻ mong muốn được tự thể hiện mình.

Thông qua phương pháp trình bày tác phẩm, giáo viên cho trẻ được tri giác được trọn vẹn giai điệu và lời ca của bài hát, đặc biệt là những tính chất và đặc điểm cơ bản của âm hình tiết tấu, các tuyến giai điệu và những ca từ gần gũi và hấp dẫn với trẻ. Bên cạnh đó các cách thể hiện sắc thái như : to nhỏ ngân – ngăt ; to dần ở cao trào bài hát hay nhỏ dần và chậm lại ở cuối câu…

Trong hoạt động múa – vận động, phương pháp này giúp trẻ quan sát tỉ mỉ các động tác, điệu bộ thể hiện nội dung âm nhạc của giáo viên, và tuỳ theo khả năng của độ tuổi mà trẻ có thể dần ghi nhớ và bắt chước theo cô giáo hay quan sát và tích luỹ những kĩ năng vận động mà trẻ sẽ có cơ hội thể hiện trong quá trình tham gia vào các hoạt động âm nhạc sau này.

2. Phương pháp dùng lời

Trong quá trình tổ chức cho trẻ hoạt động âm nhạc, giáo viên sử dụng lời nói để hướng tới ý thức của trẻ. Đối với trẻ mầm non, cách diễn đạt phải mạch lạc, thong thả, cụ thể, dễ hiểu của cô giáo là một trong những phương tiện nhận thức đặc biệt.

Khi giới thiệu tác phẩm cho trẻ nghe hoặc bài trẻ chuẩn bị hát cần diễn giải sinh động, gây hứng thú tập trung để trẻ chờ đón được thưởng thức (có thể kếi hợp với thơ, câu đố, trò chơi… liên quan đến nội dung tác phẩm để tạo sự hấp dẫn cho trẻ).

Khi hướng dẫn trẻ học hát, vận động có thể dùng lời nói có tính chất hiệu lệnh, ngắn gọn và cũng có thể dùng lời nói có hình ảnh giúp trẻ tưởng tượng khi thể hiện diễn cảm. Với trẻ, những lời động viên nhẹ nhàng của giáo viên sẽ khích lệ trẻ thi đua nhau học tập.

Khác với nghệ sĩ biểu diễn, giáo viên sau khi trình bày tác phẩm phải giải thích, đàm thoại cho trẻ hiểu nội dung tác phẩm, liên hệ giáo dục đồng thời phải đặt câu hỏi để kiểm tra khả năng cảm thụ âm nhạc của trẻ.

3. Phương pháp thực hành nghệ thuật

Trẻ học hát, vận động theo nhạc, tham gia trò chơi âm nhạc, sử dụng nhạc cụ, hoạt động sáng tạo dưới sự hướng dẫn của giáo viên là kết quả của giáo dục âm nhạc. Sự phát triển trí tuệ, năng khiếu của trẻ được bắt đầu ngay từ khi tiến hành các hoạt động giáo dục âm nhạc với trẻ và ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Những hoạt động bắt chước, tập luyện hay sáng tạo của trẻ dưới sự tổ chức và điều khiển của giáo viên sẽ đồng thời nâng cao khả năng hoạt động âm nhạc và phát triển trí tuệ cho trẻ.

Hình ảnh: Nghe nhạc từ trong bụng mẹ

Đặc điểm của trẻ mầm non học âm nhạc không dựa vào chữ viết hay kí hiệu nốt nhạc mà học qua bắt chước. Vì vậy, giáo viên cần giúp đỡ trẻ tập luyện nhiều lần để hình thành kĩ năng thể hiện âm nhạc, giúp trẻ cảm thụ âm nhạc, nắm được các thuộc tính âm nhạc (độ cao, độ dài, độ mạnh – nhẹ, âm sắc và cách thể hiện sắc thái). Trong vận động – múa theo nhạc, trẻ cũng hình thành động tác tư thế đúng, luân chuyển động tác khớp với nhịp điệu, tính chất âm nhạc.

Trong quá trình luyện tập, trẻ có thể hát sai, tập chưa đúng động tác, giáo viên giúp trẻ khắc phục bằng cách nhắc nhở, giải thích và cho trẻ tập riêng. Có thể lúc đầu chưa đúng, sau thực hiện nhiều lần, trẻ sẽ dần dần điều chỉnh để hát, vận động được những chỗ chưa đạt. Có giáo viên trực tiếp giúp đỡ, trẻ điều chỉnh nhanh chóng, tuy nhiên sau đó có thể quên, vì vậy trong giờ học sau (hát, vận động là nội dung kết hợp), cô giáo phải cho trẻ ôn lại.

Nghe nhạc cũng là hoạt động cần được rèn luyện cho trẻ thường xuyên, có hệ thống. Giáo viên tổ chức cho trẻ nghe bằng các hình thức khác nhau như nghe đàn hát trực tiếp hay qua phương tiện nghe, nhìn để giúp trẻ cảm thụ âm nhạc. Khác với nghe để giải trí đơn thuần, giáo viên cho trẻ nghe có mục đích giáo dục do đó thường đặt câu hỏi, đàm thoại để đánh giá khả năng tiếp thu âm nhạc của trẻ, đồng thời rèn luyện cho trẻ sự tập trung chú ý, sự tưởng tượng… Thực hành nghệ thuật chính là sự luyện tập để phát triển tại nghe âm nhạc, khả năng ca hát, vận động và trò chơi âm nhạc cho trẻ.

4. Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan

Trong các hoạt động giáo dục âm nhạc như hát, vận động – múa, nghe nhạc, trò chơi âm nhạc đều sử dụng đồ dùng trực quan. Với trẻ mẫu giáo, đồ chơi, đồ dùng học tập là phương tiện hữu hiệu giúp trẻ nhận thức và thể hiện cảm xúc.

Những đồ chơi, tranh ảnh, con rối… có liên quan đến nội dung tác phẩm thường được giáo viên sử dụng minh họa trong giờ học để thu hút sự chú ý của trẻ. Trong khi học hát, trẻ gõ đệm theo bằng phách tre, trống lắc, nhạc cụ trẻ em… sẽ tăng cường cảm giác nhịp điệu, tạo sự hưng phấn. Khi vận động múa, các đạo cụ, hoá trang giúp trẻ thể hiện tự tin, sinh động, hấp dẫn hơn.

Hoạt động giáo dục âm nhạc sẽ kém hiệu quả nếu không có các phương tiện đồ dùng dạy học như nhạc cụ, băng, đĩa hình…. Dạy trẻ hát sẽ chuẩn hơn, lôi cuốn trẻ hơn, nếu giáo viên có sử dụng nhạc cụ. Mặt khác, trước khi học hát nếu trẻ được làm quen bằng cách nghe băng, xem đĩa hình bài sắp học sẽ tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình học thuộc. Khi dạy hát, việc sử dụng đàn để lấy giọng giúp trẻ hát đúng âm vực, tránh bị cao quá hoặc thấp quá. Sửa câu hát sai bằng cách cho nghe đàn giai điệu nhiều lần giúp trẻ dẫn dần tự điều chỉnh tai nghe để hát cho đúng. Việc dùng bộ nhớ của đàn phím điện tử để thu giai điệu bài hát cho trẻ nghe, bài dạy trẻ hát, bài múa – vận động… giúp giáo viên chủ động trong giờ dạy, đỡ vất vả và giờ dạy sẽ hiệu quả hơn.

Đồ dùng trực quan có thể do giáo viên tự làm hoặc được trang bị. Với các nhạc cụ và phương tiện nghe nhìn được trang bị, giáo viên phải học cách sử dụng và biết sử dụng cho phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ tránh lạm dụng, để mọi đồ dùng trực quan có tác dụng hỗ trợ tốt trong giáo dục âm nhạc.

This Post Has 3 Comments

  1. indra

    membentuk karakter anak

  2. I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.

Trả lời