Ngôn Ngữ Và Các Khái Niệm Liên Quan

1. Hoạt động lời nói là gì?

Lời nói không chỉ là phần âm thanh nghe được phần âm thanh này chỉ là kết quả của một quá trình hoạt động có sử dụng ngôn ngữ để thực hiện một mục đích nào đó của con người. Quá trình này được gọi là hoạt động lời nói.

Hoạt động lời nói là quá trình con người sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt và tiếp nhận kinh nghiệm xã hội, lịch sử hay để thiết lập sự giao tiếp hoặc để lập kế hoạch (chương trình) hành động. Như vậy, tính mục đích của hoạt động lời nói là rất khác nhau. Đó có thể là hoạt động để truyền đạt thông tin, kiến thức mới; có thể là hoạt động để giải quyết một nhiệm vụ tư duy nào đó. Nếu ngôn ngữ là phương tiện hay công cụ giao tiếp thì hoạt động lời nói chính là quá trình giao tiếp ngôn ngữ này.

Hoạt động lời nói khi thực hiện mục đích giao tiếp hay khi tư duy về thực chất là một quá trình hình thành và thể hiện ý nghĩ nhờ ngôn ngữ. Do đó, hoạt động lời nói còn được hiểu là một quá trình hình thành và thể hiện ý nghĩ nhờ ngôn ngữ.

Như vậy, hoạt động lời nói là một loại hoạt động của con người. Vì thế, nó cũng có đầy đủ các đặc trưng của hoạt động; có mục đích, có nhu cầu động cơ, có các hành động bộ phận hợp thành. Điểm khác biệt của hoạt động lời nói với các loại hoạt động khác là nó là hoạt động nằm trong tất cả các hoạt động khác của con người. Lời nói không có mục đích tự thân (nói để mà nói), nó bao giờ cũng bị chi phối bởi động cơ và mục đích của hoạt động chung (nói để hiểu nhau; nói để điều khiển quá trình sản xuất tốt hơn…).

Hoạt động lời nói là một quá trình con người sử dụng ngôn ngữ để thực hiện một mục đích cụ thể nào đó nên có tính chất cá nhân riêng biệt ở từng người. Tuy vậy, nó có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ, với tính chất xã hội, tính chất chung của ngôn ngữ. Có thể nói quan hệ của ngôn ngữ và lời nói là quan hệ của cái chung và cái riêng.

2. So sánh ngôn ngữ và lời nói

F. de.Saussure đã phân biệt lời nói và ngôn ngữ như sau:

Ví dụ: Cho tập hợp một số từ. (Mẹ/ đi/ chợ/ về/ chưa) cùng với các dấu câu, kiểu câu (các quy tắc tạo câu) tiếng Việt có thể tạo ra một số câu khác nhau:

+ Mẹ đi chợ về chưa?

+ Mẹ chưa đi chợ về.

+ Chợ, mẹ chưa đi về

+ Mẹ đi chợ chưa về

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm của nhiều thế hệ, nhiều thời đại. Ngôn ngữ có tính khái quát cao, là bộ mã chung cho cả cộng đồng, tồn tại trong bộ óc của mỗi người cùng nói chung một thú tiếng dưới dạng tiềm năng. Ngôn ngữ có tính chất ổn định trong một thời gian tương đối lâu dài. Mỗi cá nhân không thể tùy tiện sáng tạo và thay đổi được ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ được thể hiện ra trong lời nói và bằng lời nói. Lời nói là sản phẩm của từng cá nhân riêng biệt nên mang tính cụ thể, nhất thời và luôn luôn thay đổi. Lời nói là phương diện tồn tại của ngôn ngữ ngôn ngữ không có ai sử dụng, không ai dùng để nói, để giao tiếp sẽ là tử ngữ ( ngôn ngữ chết).

Lời nói là cần thiết để cho ngôn ngữ có thể hiểu được và gây được tất cả hiệu quả của nó. Ví dụ nếu không nắm được Tiếng Anh, thì ta vẫn có thể nghe thấy người Anh nói nhưng lại không hiểu gì. Lời nói không những cần thiết để ngôn ngữ được xác lập mà còn cần thiết để ngôn ngữ biến hoá và phát triển.

3. Các loại hoạt động lời nói

Có nhiều cách phân loại lời nói. Cách phân loại phổ biến là dựa vào hình thái tồn tại của lời nói. Theo cách này, lời nói được phân loại thành lời nói bên ngoài và lời nói bên trong.

Lời nói bên ngoài tồn tại dưới dạng âm thanh và chữ viết. Thực chất của lời nói bên ngoài là những quá trình sản sinh lời nói để khái quát hoá hiện thực và để giao tiếp với người khác. Lời nói bên ngoài là hình thái cơ sở trong lịch sử phát triển tiếng nói của con người. Nó xuất hiện trước lời nói bên trong. Trong đời sống cá thể, lời nói bên ngoài được hình thành trước lời nói bên trong. Nó được tiếp nhận bằng bằng cơ quan phân tích thính giác hoặc thị giác với ba tính chất nổi bật có tính vật chất hay vật chất hoá có tính triển khai mạnh; có tính dư thừa thông tin. Các tính chất này tồn tại như những quy luật của loại lời nói bên ngoài. Căn cứ vào hình thức giao tiếp, nói bên ngoài được chia thành lời nói miệng và lời nói viết. Căn cứ vào chất giao tiếp, cả lời nói miệng và lời nói viết được chia thành đối thoại và độc thoại. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét hai loại lời nói này.

Lời nói đối thoại là lời nói giữa hai hay một số người với nhau, trong đó, khi người này nói thì người kia nghe và ngược lại. Bao giờ nó cũng gắn với tình huống hay ngữ cảnh giao tiếp xác định.

Hình ảnh: lời nói đối thoại

Lời nói đối thoại có ba tính chất dưới đây.

Tính chất rút gọn. Do người nói và người nghe đều có mặt trong tình huống giao tiếp cụ thể nên có những nội dung có thể thể hiện bằng cá phương tiện phi ngôn ngữ như: củ chi, nét mặt, điệu bộ…

Tính bị động và ít chú ý.

Rất ít có tính tổ chức. Những lời đối đáp trong lời nói đối thoại thưởng không được lập chương trình một cách chặt chẽ.Trường hợp có cấu trúc phát ngôn thì cấu trúc đó cũng hết sức đơn giản. Mỗi lời nói đối thoại dường như bật ra do phản ứng với phát ngôn ở trước đó. Do đó, nó gắn chặt với các tình huống và ngữ cảnh quen thuộc.

Lời nói độc thoại là lời nói của một người; những người khác là người đọc hoặc người nghe. Đây là lời nói một chiều; nó không bị những chi phối tức thời của người nghe, không lệ thuộc vào tình huống ngữ cảnh trực tiếp. Nó có các đặc điểm nổi bật dưới đây.

Hình ảnh: lời nói độc thoại.

Tính triển khai mạnh. Trong lời nói độc thoại, do rất ít sử dụng các thông tin phi ngôn ngữ, để người nghe hoặc người đọc hiểu được cần phải nhắc đến, gọi ra hay miêu tả đối tượng được nói đến.

Tính chú ý và chủ động rõ ràng. Lời nói độc thoại phải xác định rõ nội dung truyền đạt và phải biết xây dựng nội dung đó một cách có chủ ý, phải biết thể hiện nó theo một trình tự xác định, một cách chủ động.

Tính tổ chức cao. Để có lời nói độc thoại, người nói phải lập chương trình, kế hoạch không phải chỉ cho từng câu, từng phát ngôn riêng lẻ mà cho toàn bộ lời độc thoại. Kế hoạch, chương trình này có khi được thảo ra ở trong óc, có khi được viết ra giấy.

Như vậy, trong so sánh với lời nói đối thoại thì lời nói độc thoại có những yêu cầu cao hơn, những đòi hỏi nghiêm ngặt mang tính chuẩn mục hơn.

Lời nói viết là lời nói hướng vào người khác, được biểu hiện bằng ký hiệu chữ viết và được tiếp nhận bằng cơ quan phân tích thị giác. Lời nói viết có ưu thế rất lớn ở khả năng giao tiếp trong không gian và thời gian vô cùng rộng lớn. Là một dạng của lời nói độc thoại nhưng nó ở một mức độ phát triển cao hơn rất nhiều biểu hiện ở những đặc điểm sau đây:

Tính khai triển rất mạnh vì lời nói viết không có liên hệ ngược trực tiếp với nhân vật giao tiếp. Ở đây không có sự tham gia của các yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ…).

Tính có chủ ý, chủ động và có tổ chức cao, rất chặt chẽ. Người viết viết ra điều gì cho ai đó thì thường là người đó vắng mặt. Vì thế, người viết không thấy được phản ứng của người đọc; phải tự mình hình dung ra được phản ứng đó mà cân nhắc thật kỹ để viết ra những gì phù hợp, có lợi cho việc thực hiện mục đích giao tiếp. Sử dụng lời nói viết sẽ tránh được những phát ngôn “bất lợi” (đã được gạch bỏ trong khi viết) mà điều này không làm được trong lời nói miệng. Chính điểm này làm cho lời nói viết gần với lời nói bên trong.

Tính chuẩn mực về phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ viết yêu cầu cao về phương diện chuẩn mực ngôn ngữ. Việc dùng từ, các mẫu câu phải chính xác, không có sự dư thừa, không sử dụng nhiều các từ tình thái không sử dụng các loại câu rút gọn, câu đặc biệt.

Hình thức thứ hai của lời nói là lời nói bên trong. Lời nói bên trong là một loại hoạt động lời nói đặc biệt, diễn ra ở trong đầu, không còn tính vật chất (âm thanh), đúng hơn là có rất ít tính vật chất. Lời nói bên trong chỉ là hình ảnh âm thanh, là biểu tượng về âm thanh hay con chữ. Lời nói bên trong thực hiện ở pha lập kế hoạch (chương trình) trong hoạt động lí luận và thực hành hoặc ở pha thực hiện kế hoạch trong hoạt động lí luận phức tạp. Ở đây lời nói bên trong biểu hiện ở chỗ chúng ta tự “tranh luận” với chính mình để tìm ra giải pháp tốt nhất. Chính vì vậy lời nói bên trong còn gọi là lời nói cho mình (để phân biệt với lời nói bên ngoài) hay lời nói thuần tuý bên trong (để phân biệt với lời nói thầm – một loại lời nói bên ngoài có cường độ âm thanh nhỏ, thưởng làm trung chuyển giữa lời nói bên ngoài và lời nói bên trong).

Về mặt phát sinh cá thể, lời nói bên trong được hình thành sau lời nói bên ngoài, do lời nói bên ngoài chuyển vào và được rút gọn lại.

Lời nói bên trong có ba đặc điểm nổi bật sau đây:

+ Có tính rút gọn cao. Thường chỉ là từng mẩu, rời rạc. Thí dụ cả câu, cả đoạn văn được cô đọng lại chỉ còn một từ (chủ ngữ, vị ngữ….).

+ Có tính vị thế, tức chỉ toàn vị ngữ.

+ Có tính ngữ nghĩa là ý và phụ thuộc mạnh vào tình huống (giống như ở lời nói đối thoại).

Lời nói bên trong tồn tại dưới dạng những cảm giác vận động, do cơ chế đặc biệt của nó qui định. Việc giáo dục lời nói bên trong được thực hiện thông qua quá trình giáo dục các lời nói bên ngoài.

Các hoạt động lời nói đã trình bày ở trên đều có quan hệ rất chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, và có thể chuyển hoá cho nhau. Tất cả những điều này và chất lượng của mỗi lời nói, các kĩ năng thực hiện mỗi loại lời nói là phụ thuộc vào sự rèn luyện tích cực và có ý thức của mỗi cá nhân trong hoạt động và giao tiếp trong lời nói bên ngoài, hoàn thành một phần hay toàn bộ lời nói.

This Post Has One Comment

Trả lời