NGE NHẠC

1. Vai trò, ý nghĩa của việc nghe nhạc

Nghe nhạc góp phần phát triển cảm xúc của trẻ đối với âm nhạc, hình thành ở trẻ thói quen nghe nhạc có kiến thức (khái niệm âm nhạc cơ bản và ấn tượng âm nhạc), từ đó biết ghi nhớ tác phẩm, phân biệt nội dung, hình thành mối liên hệ giữa âm nhạc và cuộc sống.

Nghe nhạc là một sự tác động sâu sắc đối với tâm hồn con người. Đây là quá trình phức tạp vì nó liên quan đến sự rung động sâu sắc, tinh tế trong tâm hồn mỗi người. Sự cảm nhận âm nhạc tuỳ thuộc vào khả năng, kinh nghiệm sống và được tích luỹ dần dần.

Nghe nhạc là cơ sở để trẻ học hát, vận động, chơi theo nhạc. Do đặc điểm của âm nhạc là phản ánh và kích thích sự vận động cùng với tính ham hoạt động của trẻ, việc nghe nhạc trong trường mầm non là một hoạt động tích cực, có mối quan hệ chặt chẽ với vận động, hoàn thiện những đặc trưng tâm lí của trẻ, đặc biệt là sự nhạy cảm với âm nhạc, tạo dấu ấn điều chỉnh nhịp sinh lí của trẻ.

Hình ảnh: Mô phỏng nghe nhạc

2. Khả năng nghe nhạc của trẻ

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, khả năng nghe của trẻ xuất hiện rất sớm. Từ chỗ biết lắng nghe âm thanh nói chung, dần dần trẻ có biểu hiện hưởng ứng với tính chất âm thanh, trong đó có âm thanh âm nhạc.

Khi mới được vài tháng tuổi, trẻ đã biết lắng nghe nơi phát ra âm thanh hoặc im lặng chăm chú nghe mẹ ru… Hai, ba tuổi, trẻ nghe và hát theo người lớn câu hát đơn giản. Trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi đã thích nghe hát và thể hiện rõ sự hứng thú bằng nét mặt ngạc nhiên, reo cười hay cử động theo. Cảm xúc của các cháu với âm nhạc nảy sinh trực tiếp và mạnh mẽ nhưng nhanh chóng biến mất, ít giữ lại ấn tượng. Trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi có sự tập trung chú ý hơn, ít bộc lộ cảm xúc bên ngoài như mẫu giáo 3 – 4 tuổi nhưng có biểu hiện ghi nhớ bài hát, bản nhạc được nghe và hay đàm thoại về nội dung lời ca của bài hát. Trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi nếu được nghe có quá trình có thể hình thành thói quen tập trung lắng nghe, theo dõi sự phát triển của bài hát, hiểu được tính chất chung và một số đặc điểm của bài hát được nghe, so sánh một số đặc điểm của bài được nghe với các hiện tượng gần gũi trong cuộc sống. Đặc biệt, các cháu thể hiện rõ sự lựa chọn bài mình thích trong số các bài được nghe, thậm chí có cháu giải thích tại sao cháu thích nghe bài hát đó.

3. Nội dung nghe

Nghe nhạc dưới dạng chung nhất là nhạc hát và nhạc đàn (thanh nhạc và khí nhạc). Nhạc hát có lời ca dễ hiểu, gần gũi với trẻ và có tác dụng giáo dục mọi mặt. Nhạc đàn sử dụng nhiều phương pháp diễn cảm phong phú để thể hiện tính chất đa dạng của các hình tượng âm nhạc mà giọng người khó diễn tả. Do điều kiện vật chất và khả năng biên tập âm nhạc của giáo viên nên trong chương trình hiện nay, cho trẻ nghe nhạc chủ yếu là nghe cô hát. Điều này cũng có những hạn chế nhất định.

Cần cho trẻ nghe các làn điệu của âm nhạc dân gian Việt Nam đặc sắc và phổ biến các ca khúc hay các trích đoạn hoặc chủ đề của tác phẩm âm nhạc tiêu biểu theo phong cách cổ điển nhưng phù hợp với trẻ.

Trước hết, cần luyện tai nghe cho trẻ như tập phản xạ định hướng đối với âm thanh : tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng kêu của các con vật… dưới hình thức trò chơi. Tiến tới nội dung chính của nghe là cho trẻ nghe bài hát, bản nhạc có sự tổ chức hướng dẫn của cô giúp trẻ cảm thụ tính chất chung của tác phẩm và làm quen với các thuộc tính âm thanh âm nhạc như nghe âm thanh cao – thấp, to – nhỏ, tốc độ vừa – chậm, các âm hình tiết tấu đặc biệt, âm sắc nhạc cụ, giọng hát luyện tập sự tinh tế trong quá trình nghe.

Nghe (tri giác) bao gồm :

– Nghe đàn, hát các tác phẩm khác nhau (dân ca, nhạc truyền thống, các bài hát và bản nhạc không lời).

– Nghe trong quá trình học thuộc bài hát, vận động nhịp điệu, trò chơi.

– Nghe với mục đích xác định các thuộc tính của âm thanh các nhạc cụ hoặc các âm thanh tự nhiên, các âm thanh không đầy đủ tính nhạc nhưng có thể tạo nên tiết tấu, thậm chí ở những nhóm trẻ 5 – 6 tuổi, giáo viên cần cho trẻ làm quen với các âm hình tiết tấu ngắn và có các cao độ, trường độ cơ bản kết hợp được thiết kế dưới dạng trò chơi. Ngoài ra cho trẻ nghe các âm thanh khác trong cuộc sống.

Một số thể loại bài hát cho trẻ nghe

Các ca khúc hát cho trẻ nghe bao gồm từ ca khúc dân ca đến ca khúc chuyên nghiệp, có nội dung đa dạng. Dựa vào nội dung lời ca, tính chất thể hiện của giải điệu, tiết tấu, nhịp điệu, cấu trúc, có thể chia thành hai loại : loại bài hát nhộn nhịp, vui vẻ, dí dỏm và loại bài hát trữ tình, êm dịu.

a. Các bài hát vui vẻ, nhộn nhịp, dí dỏm

Các bài hát vui vẻ, nhộn nhịp, dí dỏm hay ngộ nghĩnh thường được viết ở tốc độ nhanh vừa hoặc nhanh, âm hình tiết tấu mang tính hành khúc hoặc nhảy múa nhịp nhàng, giai điệu có quãng nhảy, âm thanh linh hoạt, sốn động, trong sáng. Khi hát cần phát âm gọn, rõ ràng, âm thanh vang sáng, thể hiện sự nhiệt tình, sôi nổi. Ví dụ:

– Trống cơm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

– Mưa rơi: Dân ca Khơ Mú

-Anh phi công ơi: Nhạc : Xuân Giao Lời thơ : Xuân Quỳnh

– Bài ca đi học: Nhạc và lời : Phan Trần Bảng

– Màu áo chủ bộ đội: Nhạc và lời : Nguyễn Văn Tý

– Mùa xuân ơi: Nhạc và lời : Nguyễn Ngọc Thiện

– Nhạc rừng: Nhạc và lời : Hoàng Việt

– Chim sáo: Dân ca Khơ me – Nam Bộ

– Hồ ba lí: Dân ca Quảng Nam

– Tôm, cá, cua thì tài: Nhạc và lời : Hoàng Thị Dinh

– Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai Nhạc : Lê Mây – Thơ : Phùng Ngọc Hùng

– Reo vang bình minh: Lưu Hữu Phước

– Đi cấy: Dân ca Thanh Hoá.

Tuỳ thuộc vào nội dung cụ thể, sắc thái tình cảm ở mỗi bài có những nét riêng. Ví dụ :

Hình ảnh: Bài hát chú voi con ở bản đôn

Bài hát viết ở điệu thức trưởng, giai điệu trong sáng, tiết tấu nhịp nhàng, tốc độ vừa phải kết hợp móc đơn chấm – móc kép xuất hiện ngay từ đầu bài tạo cho giai điệu tính chất ngộ nghĩnh, vui vẻ. Hình ảnh “chú voi con … rất ham ăn với lại ham chơi” trong bài hát càng cuốn hút sự chú ý của trẻ bởi sự gần gũi hồn nhiên, trong sáng.

Âm nhạc dân gian chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của trẻ thơ. Các bài dân ca với những nét giai điệu điển hình, lời ca mô tả thiên nhiên, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Một trong số đó là bài Hò ba lí– Dân ca Quảng Nam thể hiện nhịp điệu lao động rắn rỏi, sinh động. Kết hợp với hát, cô giáo làm động tác mô phỏng chèo thuyền, chẻ tre, đầu chít khăn búa rìu, áo thắt lưng, quần túm ống.. là hình ảnh của người dân lao động miền Trung sẽ rất hấp dẫn trẻ bởi sự tiếp cận đồng bộ.

Hình ảnh: Bài hát hò ba lí

Nhiều bài dân ca được tuyển chọn ở khắp mọi miền có giai điệu súc tích, dễ nhớ, lời ca miêu tả thiên nhiên sinh động hoà với con người cần cù lao động là nét đẹp truyền thống Việt Nam. Ví dụ :

Hình ảnh: Bài hát mưa rơi

b. Bài hát trữ tình, êm dịu

Các bài hát trữ tình có giai điệu mềm mại, uyển chuyển, thường tiến hành liền bậc hoặc lượn sóng, ít có quãng nhảy xa. Trong nhiều bài hát, đặc biệt các bài dân ca, có nhiều nốt luyến láy khiến cho giai điệu mềm mại, du dương, tiết tấu dàn trải tự do càng tăng thêm tính chất nhẹ nhàng, tình cảm.

Ví dụ :

– Em mơ gặp Bác Hồ: Nhạc và lời : Xuân Giao

– Em là chim câu trắng: Nhạc và lời : Trần Ngọc

– Chỉ có một trên đời: Nhạc : Trương Quang Lục

Ý thơ : Liên Xô (cũ)

– Hoa thơm bướm lượn: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

– Cây trúc xinh: Dân ca Quan họ Bắc Ninh

-Cò lả: Dân ca đồng bằng Bắc Bộ

– Em nhớ Tây Nguyên: Nhạc và lời : Văn Tấn – Trần Quang Huy

-Cho con: Nhạc: Phạm Trọng Cầu

Lời : Tuấn Dũng

– Làng tôi: Nhạc và lời : Văn Cao

– Lí cây bông: Dân ca Nam Bộ

– Ngày đầu tiên đi học: Nhạc : Nguyễn Ngọc Thiện

Lời : Viễn Phương

-Việt Nam quê hương tôi: Nhạc và lời : Đỗ Nhuận

– Cánh én tuổi thơ: Nhạc và lời : Phạm Tuyên

– Đưa cơm cho mẹ đi cày: Nhạc và lời : Hàn Ngọc Bích

– Em đi giữa biển vàng: Nhạc : Bùi Đình Thảo

Thơ : Nguyễn Khoa Đăng

– Bàn tay mẹ: Nhạc : Bùi Đình Thảo – Thơ : Tạ Hữu Yên

– Lòng mẹ: Nhạc và lời : Y Vân

Các bài hát trữ tình hát theo phương pháp liên tiếng, âm thanh liên kết với nhau không rời rạc, cường độ âm thanh vừa phải, không quá lớn để thể hiện diễn cảm, mềm mại. Ví dụ :

Hình ảnh: Bài hát bàn tay mẹ

c. Hát ru

Trong số các bài hát trữ tình, hát ru có ý nghĩa không nhỏ trong đời sống các dân tộc và càng không thể thiếu đối với lứa tuổi mầm non. Qua lời ru, người mẹ đã truyền cho con nghệ thuật âm nhạc và thơ ca dân tộc để con biết yêu vẻ đẹp thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu quý mọi người, từ đó thêm giàu lòng nhân ái. Cũng thông qua các bài hát ru, trẻ có cảm giác an toàn mà nhờ nó trẻ mới vui tươi, hồn nhiên, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động âm nhạc của trẻ. Ví dụ :

– Khúc hát ru của người mẹ trẻ Nhạc : Phạm Tuyên

Thơ: Lâm Thị Mỹ Dạ

– Mẹ yêu con Nhạc và lời : Nguyễn Văn Tý

– Lời ru trên nương Nhạc : Trần Hoàn Thơ : Nguyễn Khoa Điểm

-Ru con Dân ca Nam Bộ

– Địu con đi nhà trẻ Nhạc và lời . Đào Ngọc Dung

– Ru em Dân ca Xe-dang

-Hát ru M. Blan-te

– Ru em ngủ Sưu tầm và ghi âm : Lê Toàn Hùng

Các bài hát ru được các nhạc sĩ sáng tác hay những bài hát ru trong dân gian đều có nhịp độ chậm, vừa phải. Nhiều bài ở nhịp 6\8 như nhịp đưa của chiếc võng ru càng làm cho giai điệu thêm thắm thiết.

This Post Has 2 Comments

  1. Can you be more specific about the content of your article? After reading it, I still have some doubts. Hope you can help me.

Trả lời