Khái Niệm Cơ Bản Trong Lí Luận Giáo Dục Thể Chất

Trong khoa học, thuật ngữ “khái niệm” được hiểu như là sự phản ánh vào ý thức con người các dấu hiệu đặc trưng và các mối liên hệ thuộc bản chất của hiện tượng này hay hiện tượng khác, là tổng thể các tri thức có tính quy luật về các hiện tượng ấy.

Khái niệm được coi là có tính quy luật và hoàn chỉnh nếu như nó được định nghĩa chính xác, khái quát các chuẩn mực khác biệt của một khái niệm này với các khái niệm khác, phương thức phát hiện ra nó, cấu trúc và cách vận dụng nó.

Tất nhiên, trong quá trình phát triển của mỗi môn khoa học, sự xuất hiện của các nhân tố mới sẽ đưa đến sự biến đổi cái cũ và sự ra đời cái mới, các khái niệm mới hoàn chỉnh hơn.

Những khái niệm cơ bản trong lí luận giáo dục thể chất được hình thành trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Mức độ, nội dung của nó đã và đang thay đổi ngày càng sâu sắc, chính xác hơn theo trình độ hiểu biết của con người về giáo dục thể chất, theo sự phát triển của thực tiễn.

Việc hiểu biết chính xác những khái niệm cơ bản trong lí luận giáo dục thể chất tạo cơ sở để xác định và giải thích dùng những khái niệm khác liên quan đến đối tượng của lí luận giáo dục thể chất.

Ngoài ra, sự lĩnh hội những khái niệm này cần thiết để hiểu được những tài liệu chuyên môn, thực hiện những nhiệm vụ thành văn bản như báo cáo, lập kế hoạch tóm tắt… Không hiểu được nội dung và phạm vi của các khái niệm cơ bản thì không thể xác định phương hướng chính xác của vô số hiện tượng và những vấn đề riêng biệt trong lí luận và thực tiễn giáo dục thể chất. Những khái niệm cơ bản trong lí luận giáo dục thể chất bao gồm: phát triển thể chất, giáo dục thể chất, chuẩn bị thể chất, hoàn thiện thể chất, thể thao, văn hóa thể chất.

1. Phát triển thể chất

Phát triển thể chất là quá trình hình thành, thay đổi về hình thái và chức năng sinh học của cơ thể con người dưới ảnh hưởng của điều kiện sống và môi trường giáo dục. Tiền để của sự phát triển thể chất của con người là sức sống tự nhiên và tổ chức cơ thể con người do bẩm sinh tạo nên. Song xu hướng tính chất, mức độ phát triển thể chất, khả năng do con người rèn luyện được lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống và giáo dục. Điều kiện sinh hoạt xã hội của con người có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể chất mà trong đó lao động và giáo dục, nói riêng là giáo dục thể chất, có tác dụng hàng đầu.

Phát triển thể chất được hiểu theo hai nghĩa:

Theo nghĩa rộng: Phát triển thể chất là chất lượng phát triển của cơ thể, hay nói cách khác là mức độ phát triển của các tố chất thể lực phản xạ nhanh hay chậm của cơ thể, mức độ linh hoạt, thích nghi với điều kiện sống mới, sự mềm dẻo và sức mạnh của toàn thân.

Theo nghĩa hẹp: Phát triển thể chất là mức độ phát triển của cơ thể, được biểu hiện bằng các chỉ số chiều cao, cân nặng, chu vi vòng ngực, vòng đầu, vòng tay…..

Sự phát triển thể chất phụ thuộc vào yếu tố bẩm sinh di truyền và những quy luật khách quan của tự nhiên quy luật thống nhất giữa cơ thể và môi trường, quy luật tác động qua lại giữa sự thay đổi cấu trúc và chức năng của cơ thể; quy luật lượng đổi, chất đổi trong cơ thể….

Hình ảnh: Phát triển thể chất ở trẻ

Sự tác động qua lại giữa các quy luật tự nhiên đó phụ thuộc vào các điều kiện xã hội và hoạt động của con người như: điều kiện phân phối và sử dụng sản phẩm vật chất – quan hệ sản xuất, giáo dục, lao động, sinh hoạt… Do đó có thể nói, sự phát triển thể chất của con người là do xã hội điều khiển.

2. Giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất gọi tắt là thể dục, hiểu theo nghĩa rộng của thể dục.
Nếu phát triển thể chất tuân theo quy luật tự nhiên, chịu sự chi phối của xã hội, thì giáo dục thể chất chính là sự tác động vào quá trình phát triển tự nhiên đó.

Giáo dục thể chất là một bộ phận hợp thành của văn hoá thể chất, bao gồm ba lĩnh vực cơ bản của một quá trình sư phạm và một lĩnh vực đặc biệt:

– Chuẩn bị thể lực chung:

– Chuẩn bị thể lực nghề nghiệp:

– Huấn luyện thể thao, bao gồm: huấn luyện cơ sở và thể thao nâng cao.

– Điều trị phục hồi thể lực hay còn gọi là thể dục chữa bệnh.

Điều trị phục hồi thể lực là một lĩnh vực đặc biệt của giáo dục thể chất nhằm phục hồi các chức năng bị mất đi bằng các bài tập thể lực. Nghiên cứu và giảng dạy các tri thức thuộc lĩnh vực này là đối tượng của môn học Thể dục chữa bệnh.

Đặc điểm riêng của giáo dục thể chất – một hiện tượng xã hội, là một phương tiện phục vụ xã hội, chủ yếu nhằm nâng cao thể chất, tác động đến sự phát triển tinh thần của con người.

Người ta xem xét giáo dục thể chất từ hai góc độ giáo dục học và thực tiễn.

Xét từ góc độ giáo dục học, giáo dục thể chất là một quá trình sư phạm nhằm truyền thụ và lĩnh hội những tri thức văn hoá thể chất của thế hệ trước cho thế hệ sau để giải quyết các nhiệm vụ giáo dục thể chất.

Quá trình sư phạm là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch, có phương pháp và phương tiện nhằm phát triển các năng lực của con người để đáp ứng các yêu cầu của một xã hội nhất định.

Người học vừa là chủ thể của quá trình nhận thức, vừa là đối tượng của giáo dục. Người dạy giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều khiển quá trình giáo dục.

Giáo dục thể chất có mối quan hệ khách quan với các nội dung giáo dục khác như giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục thẩm mĩ và lao động.

Xét từ góc độ thực tiễn, giáo dục thể chất là một quá trình giáo dục mà đặc trưng của nó thể hiện ở việc giảng dạy các động tác, nhằm hoàn thiện về mặt hình thể và chức năng sinh học của cơ thể người, hình thành, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo vận động và phát triển các tố chất thể lực của cơ thể con người.

Quá trình giáo dục phải tuân theo các nguyên tắc giáo dục thể chất, thực hiện nội dung giáo dục thể chất, sử dụng các phương tiện giáo dục thể chất, tiến hành bằng các phương pháp giáo dục thể chất dưới các hình thức giáo dục thể chất.

Dưới tác dụng của quá trình giáo dục thể chất, cơ thể con người phát triển cân đối, khoẻ mạnh, được rèn luyện, có khả năng chống lại những ảnh hưởng xấu của môi trường.

Theo nghĩa hẹp, giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là quá trình tổ chức hoạt động vận động cho trẻ.

Theo nghĩa rộng, giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là quá trình tác động nhiều mặt vào cơ thể trẻ, tổ chức cho trẻ vận động và sinh hoạt hợp lí nhằm làm cho cơ thể trẻ phát triển đều đặn, sức khoẻ được tăng cường, tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện.

Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là tổ hợp các cách thức tổ chức quá trình giáo dục thể chất của giáo viên, trong đó giáo viên giữ vai trò chủ đạo, trẻ em giữ vai trò chủ động, tích cực nhằm tiếp thu những tri thức, hình thành năng lực vận động, thói quen sinh hoạt hợp lí để phát triển thể chất và tâm lí cho các em.

3. Chuẩn bị thể chất

Về bản chất, giáo dục thể chất và chuẩn bị thể chất có ý nghĩa như nhau, nhưng chuẩn bị thể chất được dùng khi nhấn mạnh khuynh hướng ứng dụng của giáo dục thể chất có liên quan đến hoạt động lao động sản xuất hay một hoạt động nào đó đòi hỏi phải có mức độ chuẩn bị thể chất.

Chuẩn bị thể chất là mức độ phát triển kĩ năng, kĩ xảo vận động, tố chất thể lực phù hợp với yêu cầu và tiêu chuẩn tham gia vào hoạt động lao động và bảo vệ Tổ quốc.

Chuẩn bị thể chất chung là một quá trình giáo dục thể chất không chuyên môn hoá. Nội dung của quá trình này là nhằm tạo nên những tiền đề chung để đạt kết quả trong các loại hoạt động khác nhau của cuộc sống.

Chuẩn bị thể chất nghề nghiệp là một quá trình giáo dục thể chất được chuyên môn hoá mang tính chuyên biệt đối với một hoạt động nào đó được lựa chọn làm đối tượng chuyên sâu.

Chuẩn bị thể chất cho các ngành nghề mang tính chất đặc trưng về nhiệm vụ, phương tiện, phương pháp tiến hành các bài tập thể chất, phụ thuộc vào đặc điểm của từng ngành.

Chuẩn bị thể chất cho trẻ mầm non là đảm bảo những yêu cầu về các chỉ số phát triển thể chất và các kĩ năng thực hiện bài tập thể chất phù hợp với từng lứa tuổi. Các chỉ số thực hiện các bài tập thể chất trong chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ, như khoảng cách, số lần, thời gian, độ xa…

4. Hoàn thiện thể chất

Nếu như chuẩn bị thể chất là giai đoạn đầu, thì hoàn thiện thể chất là giai đoạn cuối của quá trình phát triển thể chất ở một độ tuổi nhất định.

Hoàn thiện thể chất là phát triển thể chất tới trình độ cao nhằm đáp ứng một cách hợp lí các nhu cầu của hoạt động lao động và kéo dài tuổi thọ của con người.

Khái niệm hoàn thiện thể chất thay đổi dưới ảnh hưởng của nhu cầu phát triển xã hội – sự phát triển khoa học kĩ thuật, nhu cầu sản xuất trình độ, mức độ sản xuất và cả sự hứng thú của bản thân con người.

Để hiểu được khái niệm này cần xác định ba điểm:

– Mỗi thời đại lịch sử đều có quan niệm riêng về sự phát triển thể chất.

– Sự hình thành và hoàn thiện thể chất trong các lứa tuổi và giới tính khác nhau của con người mang những đặc điểm riêng.

– Hoàn thiện thể chất thực chất là nói về sức khoẻ của con người.

Đối với trẻ mầm non, mức độ hoàn thiện thể chất được biểu hiện bằng khả năng thích nghi của cơ thể với môi trường, bằng khả năng hoạt động của những vận động cơ bản như đi, chạy, nhảy.

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho lí luận giáo dục thể chất là nghiên cứu và đề ra những tiêu chuẩn sư phạm có căn cứ khoa học về sự hoàn thiện của con người theo mọi phương diện, trong đó có hoàn thiện thể chất. Các yêu cầu tiêu chuẩn đó phải phù hợp với các yêu cầu của xã hội hiện nay cũng như trong tương lai.

5. Thể thao

Xét về mặt lịch sử, khái niệm thể thao ra đời muộn hơn khái niệm giáo dục thể chất – thể dục. Trong thời kì cổ sơ, thể dục được coi là một biện pháp rất hiệu quả để rèn luyện thân thể, phát triển toàn diện con người nói chung và cho quân đội nói riêng. Nhưng qua thực tế, người ta thấy cần phải kiểm tra, đánh giá kết quả của việc rèn luyện thể lực, các phẩm chất ý chí, dũng cảm, mưu trí… Vì thế, các hình thức “đọ sức”, “đua tài”, “thi đấu” ra đời – đó là thể thao.

Thể thao là một bộ phận của văn hoá thể chất, là một hoạt động chuyên biệt hướng tới sự thành đạt trong một dạng, loại bài tập thể chất nào đó ở mức độ cao, được thể hiện trong quá trình thi đấu và hoạt động vui chơi, giải trí.

Thể thao là một hoạt động phục vụ cho lợi ích xã hội, thực hiện chức năng giáo dục, huấn luyện và giao tiếp.

Chỉ số cơ bản của những thành tựu về thể thao là mức độ sức khoẻ, mức độ phát triển toàn diện các năng lực thể chất, mức độ nghệ thuật thể thao và mức độ thâm nhập của những biện pháp giáo dục thể chất vào đời sống hàng ngày của con người.

Thể thao là bộ phận cấu thành của văn hoá thể chất, một mặt quan trọng của quá trình sư phạm, đồng thời là một bộ phận của giáo dục thể chất ở giai đoạn huấn luyện cơ sở.

Huấn luyện thể thao là một khuynh hướng đặc biệt của văn hoá thể chất nhằm đạt thành tích cao trong môn thể thao tự chọn. Tiêu chuẩn đánh giá trình độ huấn luyện thể thao của con người là thành tích thể thao, là tiêu chuẩn định hướng trong giáo dục thể chất: phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài thể thao.

6. Văn hoá thể chất

Khái niệm “văn hoá thể chất” liên quan đến khái niệm văn hoá, như là cái riêng đối với cái chung.

Văn hoá thể chất là một bộ phận của nền văn hóa chung của nhân loại, là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, được sáng tạo nên và sử dụng hợp lí nhằm hoàn thiện thể chất cho con người.

Giá trị vật chất của văn hoá thể chất bao gồm các loại công trình thể dục thể thao: sân vận động, phòng tập thể dục thể thao, bể bơi, dụng cụ thể dục thể thao,…

Giá trị tinh thần của văn hoá thể chất bao gồm các thành tựu xã hội, chính trị, khoa học chuyên môn và thực tiễn đảm bảo sự tiến bộ về tư tưởng, khoa học kĩ thuật và về tổ chức trong lĩnh vực này.

Trong thực tiễn, khái niệm “văn hoá thể chất” thường được gọi là thể dục thể thao. Khi dùng thuật ngữ “văn hoá thể chất”, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng nó là một bộ phận của nền văn hoá chung của nhân loại và xác định giá trị văn hoá của hoạt động này.

Tất cả những giá trị vật chất và tinh thần của văn hoá thể chất không những giúp cho việc đánh giá kết quả hoạt động của xã hội trong lĩnh vực này, mà còn kích thích sự vận dụng chúng và sự bổ sung của thế hệ sau. Không phải tất cả những gì được sáng tạo nên bởi khoa học và thực tiễn đều được liệt vào kho tàng giá trị đó, mà chỉ những giá trị nào thực sự phục vụ cho sự tiến bộ của việc hoàn thiện thể chất.

Văn hoá thể chất là một hiện tượng xã hội đặc thù, tác động hợp lí tới quá trình phát triển thể chất của con người.

Thuật ngữ “thể dục thể thao” là một bộ phận hợp thành của văn hoá thể chất, phản ánh ý nghĩa thực tiễn của văn hoá thể chất.

Văn hoá thể chất là khái niệm rộng nhất trong những khái niệm cơ bản của lí luận giáo dục thể chất. Nó mở ra nội dung cho tất cả những khái niệm trên.

This Post Has 4 Comments

  1. Maria

    Los niños son muy lindos siempre hay que acompanarloas en su proceso de crecimiento

  2. binance

    Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?

Trả lời